Làm gì khi trẻ không muốn đến trường

Cập nhật ngày: 22/08/2018 05:15:58

Đôi khi việc trẻ phản ứng dữ dội khi phải đến trường là biểu hiện của chứng rối loạn lo âu.

Mùa tựu trường, trong khi một số trẻ nôn nóng được trở lại lớp học thì vài em lại tỏ rõ thái độ lo lắng, chán chường. Trước tình huống đó, cha mẹ dễ đặt ra câu hỏi: Liệu con mình có vấn đề gì hay không?

Theo Washington Post, nhiều người, kể cả các bác sĩ, cho rằng thái độ lo lắng là một biểu hiện tâm lý bình thường, thậm chí còn tạo động lực tốt trong một vài trường hợp. Ví dụ, trẻ căng thẳng về bài kiểm tra sẽ chăm chỉ học bài hơn. Tuy nhiên, những nỗi lo lắng này rất khó kiểm soát và đổi hướng. Một bé lớp ba sợ bố mẹ mình gặp tai nạn sẽ liên tục bồn chồn và không tập trung học được. Đây cũng là một nỗi lo rất phổ biến ở trẻ nhỏ.

Bố mẹ cần hiểu rằng bên cạnh những lo lắng bình thường, trẻ cũng tồn tại vô vàn nỗi lo lắng nghiêm trọng, dai dẳng và mang dấu hiệu bệnh lý. 


Trẻ tỏ ra lo lắng liên tục và dữ dội có thể là biểu hiện của một bệnh tâm lý nghiêm trọng. Ảnh: Flickr

Bác sĩ tâm lý John Walkup thuộc Bệnh viện Lurie Children cho biết thành phố Chicago (Mỹ) có hơn 2 triệu trẻ em Mỹ bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu, 3,5% số này ở độ tuổi từ 6-11.

Qua khảo sát chuyên sâu hơn 10.000 thanh thiếu niên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tại Mỹ nhận thấy rối loạn lo âu là căn bệnh phổ biến nhất nhóm tuổi này, hơn xa các bệnh lý rối loạn về hành vi. Cứ bốn trẻ thì có một trẻ mắc rối loạn này.

Trên thực tế, rối loạn lo âu là căn bệnh tâm lý hiếm khi được công nhận và chẩn đoán chính xác, thường xuất hiện trong độ tuổi từ 6 đến 12. Do khởi phát sớm, các triệu chứng có thể bị coi nhẹ, thậm chí đánh đồng như một phần tính cách trẻ. Rối loạn lo âu gồm nhiều dạng khác nhau bao gồm rối loạn lo âu tổng quát, các chứng sợ, rối loạn lo âu chia ly, ám ảnh sợ xã hội và rối loạn hoảng sợ.

Vậy làm thế nào cha mẹ có thể nhận ra sự khác nhau giữa lo lắng bình thường và rối loạn lo âu?

Để phân biệt giữa hai loại này, cha mẹ cần chú ý đến tần suất và cường độ lo âu của trẻ. Hãy tự hỏi liệu cơn lo âu ấy có can thiệp vào cuộc sống hàng ngày của trẻ không? Nó có gây cản trở gì không? Cha mẹ có thể thích nghi với cơn lo âu của trẻ không?

Theo bác sĩ Walkup, nỗi lo bình thường có những yếu tố kích thích rất dễ đoán, chẳng hạn như bài kiểm tra ở trường hoặc con gián trong bếp. Rối loạn lo âu xảy ra do những tình huống thường không gây căng thẳng, ví dụ như đi ngủ hoặc nghe điện thoại. Những trẻ mắc chứng này thường phản ứng một cách dữ dội, thái quá, tỏ ra vô cùng thận trọng và luôn cảm thấy sợ hãi.

Bố mẹ cũng nên lưu ý rằng trẻ em dễ mắc chứng rối loạn lo âu khi phải sống liên tục trong một môi trường căng thẳng, ví dụ như trường học quá cạnh tranh hay khu vực sinh sống không an toàn. Ban đầu, trẻ có thể chỉ phản ứng bình thường nhưng vì các tác nhân mà trẻ cho là nguy hiểm diễn ra thường xuyên, nỗi lo hãi dần trở thành mạn tính. 

Một khi đã hình thành, rối loạn lo âu rất khó mất đi cho đến tuổi trưởng thành. Để trốn tránh, trẻ có xu hướng thu mình, dẫn đến trầm cảm hoặc một số hành vi tiêu cực khác.

Phụ huynh hãy sớm phát hiện lý do gây lo lắng và giúp trẻ đối mặt với nỗi sợ của mình bằng cách dạy chúng dần thích nghi với một tình huống thường gây căng thẳng. Bố mẹ nên cố gắng lắng nghe khi trẻ tự độc thoại để phát hiện ra lý do con thường lo âu, căng thẳng.

Đối với trẻ khó mô tả suy nghĩ và cảm xúc của mình, phụ huynh cần theo dõi liệu con có lảng tránh hay xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, đau đầu, biếng ăn hoặc khó ngủ khi phải thực hiện một việc gì đó hay không. 

Nếu trẻ phản ứng dữ dội thường xuyên, cha mẹ hãy đưa con đi gặp bác sĩ nhi khoa để tìm kiếm sự giúp đỡ. Ở nhà, người lớn cũng có thể dạy trẻ tập làm quen với những tình huống căng thẳng bằng cách nghỉ ngơi, tập một số bài thể dục nhẹ nhàng và hít thở sâu trước khi giải quyết một tình huống nào đó.

Ngọc Khuê (VNE)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn