Tác hại của thuốc lá ảnh hưởng tới sức khỏe của phụ nữ và trẻ em

Cập nhật ngày: 26/10/2018 10:07:54

Thuốc lá không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nam giới, khói thuốc còn làm giảm khả năng thụ thai ở phụ nữ. Cụ thể, những người thường xuyên hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc thụ động sẽ có chu kì kinh nguyệt ngắn lại, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.


Ảnh: Internet

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nghiên cứu tiến hành trên các phụ nữ hút thuốc lá trong độ tuổi sinh sản thì nguy cơ sẩy thai cao hơn 16%, trẻ chết non cao hơn 44% so với phụ nữ không hút thuốc.

Nguy hiểm hơn là tình trạng hút thuốc lá thụ động (phơi nhiễm với khói thuốc) đã làm khoảng 600.000 người chết mỗi năm, trong đó nữ giới chiếm khoảng 64%. Những nguy hiểm từ việc hút thuốc lá hay phơi nhiễm với khói thuốc cũng được các chuyên gia của WHO đưa ra lời cảnh báo. Trong đó, hút thuốc khi mang thai được coi là sự kết hợp nguy hiểm nhất.

Những hóa chất độc hại có trong thuốc lá gây hại cho thai nhi và người mẹ, vì những chất này được truyền từ mẹ sang con theo đường máu làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này, thậm chí có thể gây ra các dị tật bẩm sinh. Hút thuốc lá trong thời gian mang thai có thể gây ra tình trạng sinh non, sinh con yếu ớt, nhẹ cân, vỡ ối sớm, nhau tiền đạo, sẩy thai, thai chết lưu. Phụ nữ thường xuyên hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi và nhiều bệnh khác gấp 2 lần nam giới, do sức đề kháng của phụ nữ kém hơn.

Dù không tiếp xúc trực tiếp với khói thuốc lá mà chỉ tiếp xúc gián tiếp như ngửi phải mùi thuốc lá đối với phụ nữ khi mang thai cũng mang lại nhiều ảnh hưởng bất lợi cho chính cơ thể người mẹ và các bé trong bụng mẹ. Các nhà nghiên cứu cho biết có khoảng 4.000 hóa chất có trong khói thuốc khi chúng ta ngửi một cách gián tiếp đi vào cơ thể khi đó, nhiều chất trong số đó đã được xác định có liên quan đến ung thư. Nhiều chất độc hại như vậy nếu ngửi mùi thuốc lá khi mang thai sẽ tăng nguy cơ sức khỏe giảm sút cho cả hai mẹ con, cũng như tình huống xấu nhất là sảy thai.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp các phụ nữ đang mang thai lại tiếp cận với loại khói thuốc này mà không hề nhận ra, chất độc có thể bám vào quần áo, da và tóc của người lớn, sau đó trẻ hít vào và hệ hô hấp non yếu của bé sẽ bị ảnh hưởng. Khói thuốc lá vốn là thứ bám chặt trên đồ đạc, trên tường, đồ vật, cửa sổ,.. Có thể trong phòng không có ai hút thuốc mà có mùi khói ở đấy thì chắc chắn là chỗ đấy có khói thuốc lá bám lâu dài và tác động âm thầm nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Dù khói thuốc bám lại không nồng như hút hay ngửi trực tiếp, nó vẫn ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của bé, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe cho trẻ: trẻ em hít khói thuốc lá thụ động có nguy cơ mắc phải nhiều bệnh ở cả đường hô hấp trên và dưới; những triệu chứng điển hình thường gặp của các căn bệnh có liên quan đến phổi như là cảm lạnh, cúm, ho, có đờm, khó thở, thở khò khè và viêm phổi.

Bên cạnh đó, trẻ còn có khả năng mắc bệnh hen suyễn nếu sống chung với những người hút thuốc lá; giảm trí thông minh và sự phát triển trí lực ở trẻ; dễ mắc viêm màng não và viêm não mô cầu. Ngoài việc gây ra những biến chứng phức tạp ở phổi, hút thuốc lá thụ động còn làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể và làm tăng mức độ nhạy cảm với các bệnh viêm nhiễm ở não. Theo nghiên cứu của các học giả Mỹ phát hiện: nếu bố mẹ hút thuốc trong khi trẻ đang ăn có thể khiến trẻ sinh ra tình trạng tức ngực khó chịu.

Vì vậy, để phụ nữ đang mang thai và cả trẻ nhỏ hạn chế chịu sự tác động của khói thuốc của những người xung quanh, chúng ta có thể áp dụng các biện pháp như tránh ngửi mùi thuốc lá khi mang thai, để bảo vệ tốt hơn cho cả mẹ và bé, tốt nhất là tránh xa việc hút thuốc lá cũng như yêu cầu những người xung quanh không hút thuốc khi có mặt mình và trẻ nhỏ, đảm bảo không khí trong phòng ở được lưu thông, thoáng mát, giữ vệ sinh không khí trong lành và tốt nhất với máy điều hòa, máy lọc khí hay đơn giản nhất là mở cửa sổ lấy không khí thoáng mát thường xuyên.

DIỆU HIỀN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn