Vẫn còn khó khăn trong công tác phòng, chống lao

Cập nhật ngày: 26/05/2014 05:31:13

Chương trình phòng, chống lao triển khai trong toàn tỉnh từ năm 2005 đến nay đã điều trị khỏi, cứu sống hàng nghìn người. Bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn những thách thức như thiếu nguồn thuốc, sự thay đổi nhân sự tại các tuyến y tế cơ sở, ý thức phòng bệnh của người dân...


Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Phổi Đồng Tháp

Ước tính, hiện toàn tỉnh có khoảng 95 ca bệnh lao AFB + (lao có vi trùng)/một ngàn dân và 158 ca bệnh lao các thể/một ngàn dân. Năm 2013, tỉnh có 2.857 người mắc lao các thể, riêng quý 1 năm 2014 là 750 người. “Nhân viên tổ chống lao ít nhưng thường thay đổi, người mới đến chưa nắm rõ tình hình địa phương nên gây khó khăn trong việc quản lí bệnh nhân lao tại cộng đồng” - anh Võ Hữu Thọ, nhân viên Tổ Chống lao huyện Cao Lãnh chia sẻ. Thêm vào đó là thuốc cung cấp cho bệnh nhân đang thiếu. Tại 12 huyện, thị trong tỉnh hiện chỉ phát được 5 liều thuốc/một lần lãnh cho bệnh nhân. Trước đây, bệnh nhân lãnh đến 30 liều/một lần, hiện tại mỗi tháng bệnh nhân phải đi lãnh thuốc 5, 6 lần, điều này gây tốn thêm chi phí, thời gian đi lại cho người dân. Ông Nguyễn Thanh Nhàn, ấp 1, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh tâm sự: “Nhà tôi xa nơi lãnh thuốc, đi mất nhiều thời gian nhưng lãnh được 5 liều làm tôi đi nhiều lần trong tháng”. Theo Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phổi Đồng Tháp tỉnh, nguyên nhân thiếu thuốc do lượng thuốc phân bổ từ trung ương về thiếu, từ khi chuyển đổi phát đồ điều trị mới (từ tháng 4/2014) tình trạng thiếu thuốc đã diễn ra.

Mỗi trạm y tế xã đều có nhân viên chống lao làm công tác tuyên truyền, vận động, nhưng một bộ phận người dân vẫn còn mặc cảm, chủ quan trong phòng bệnh nên khi bệnh họ không hay. Em Nguyễn Quốc Thắng ngụ thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh nói: “Trước đây, em nghĩ chỉ có người già mới mắc bệnh lao nên không quan tâm nhiều đến sức khỏe, chỉ lo làm việc. Đến khi có những triệu chứng bệnh, em đến bệnh viện khám mới biết mình bị mắc lao”. Một số người lo làm ăn nên không điều trị đúng phát đồ, dẫn tới việc lao kháng thuốc. Bác sĩ chuyên khoa II, Nguyễn Hữu Thành - Giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Tháp cho biết, nguyên nhân bệnh lao do người dân còn tâm lý chủ quan với bệnh, cho rằng bệnh xảy ra ở người già yếu. Bệnh lao lây nhanh, không di truyền mà do người bệnh tiếp xúc với vi rút lao hoặc làm việc trong môi trường độc hại. Bác sĩ Thành khuyến cáo: “Người đã mắc lao nên tuân thủ điều trị theo phát đồ, điều trị đúng liều, đúng lượng và đúng thời gian thì mới khỏi bệnh. Đặc biệt, không nên chủ quan với bệnh này, chủ động kiểm tra sức khỏe thường xuyên”. Ngoài những trở ngại nói trên, công tác phòng, chống lao cũng đối mặt với thách thức mới là bệnh lao đang ngày càng trẻ hóa. Người mắc lao trong tuổi lao động ngày một nhiều và mắc cao ở nhóm tuổi từ 35 đến 44. Bác sĩ Nguyễn Khoa Thi - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Tháp nói: “Những năm qua, công tác chống lao của tỉnh đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, hiện tại cũng gặp nhiều khó khăn, một bộ phận người dân chưa nâng cao ý thức trong phòng, chống lao, chưa tuân thủ đúng điều trị; cán bộ chống lao ở các địa phương chưa được tập huấn thường xuyên; từ đầu năm 2014 đến nay, xảy ra tình trạng thiếu thuốc gây ảnh hưởng đến điều trị của người dân. Thời gian tới, Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phổi Đồng Tháp cố gắng đảm bảo đủ cơ số thuốc cho người dân; tăng cường công tác truyền thông, kiến nghị về tỉnh mở thêm các lớp tập huấn cho cán bộ chống lao để làm tốt hơn công tác này tại địa phương”.

Phòng, chống bệnh lao không là trách nhiệm riêng của ngành y tế mà cần sự chung tay góp sức của cộng đồng mới tạo được sức mạnh trong việc loại trừ bệnh lao. “Tất cả hãy hành động vì một thế giới không còn bệnh lao”.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn