Câu chuyện “Tam cần”

Cập nhật ngày: 19/12/2018 10:38:58

http://baodongthap.com.vn/database/video/2018121902561919-12 Cau chuyen tam can-Xich Lo.mp3

Vậy là tới câu chuyện thứ ba trong “bốn yếu tố cần có” của sản xuất nông nghiệp, cho dù là trồng trọt hay là chăn nuôi thì chuyện cần cù, siêng năng của bà con nông dân xứ mình là đòi hỏi tất yếu. Chắc chắn ai cũng có thể tự hào về đức tính chịu thương chịu khó, “một nắng, hai sương” của hàng triệu người nông dân trên mảnh đất này.


Sau khi tham gia học lớp dạy nghề nông nghiệp, nông dân thực hành tại vườn xoài xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh. Ảnh: Hữu Nghĩa

Chắc ai ai cũng thuộc nằm lòng câu “Có công mài sắt có ngày nên kim” hay “Kiến tha lâu đầy tổ”. Đó là những câu tục ngữ nói lên tinh thần chuyên cần của người dân, trong đó có bà con nông dân. Từ trước đến giờ, làm nông thì có bao giờ được nhàn hạ đâu? Bắt đầu khâu “làm giống” thì đã lo rồi, đã trông ngóng rồi: “Trông trời trông đất trông mây. Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm”. Rồi nào là thiên tai, nào là dịch bệnh. Thức khuya dậy sớm để canh con nước, sáng mờ trời là đã ra đồng, “trưa trời trưa trật, nắng chang chang” còn ngoài đồng, tối mờ tối mịt mới về. Rồi có sâu bệnh thì phải vác bình ra đồng phun tưới bất kể ngày hay đêm. Rồi trời đâu lúc nào cũng chiều lòng người, lúc thì mưa úng lúc thì khô hạn, vậy là, nay thì đắp đê lên, mai lại hạ đê xuống. Đúng là “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Nhớ câu ca dao nghe nhói lòng: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”.

Mỗi nhà bà con mình đều có bàn thông thiên và trang thờ ông địa. Nghĩa là, cầu mong “ông trời” và “thần đất đai” phù hộ để làm ăn thuận lợi, cuộc sống ngày càng khấm khá hơn. Đó cũng là cách trông mong “thiên thời, địa lợi”. “Trông” hoài không được thì quay sang “trách”. Trách “trời” sao không cho “mưa thuận, gió hòa”. Trách “đất” sao lại phụ lòng người nông dân cả đời cần lao, mà có lúc lại “lao đao, lận đận”. “Trách” trời mà trời thì xa tít, trách đất thì đất dù ở ngay dưới chân nhưng cũng không trả lời. Vậy là tự bằng lòng, tự an phận, theo kiểu “ai cũng có số cả, giày dép cũng còn có số mà”.

“Trách trời, trách đất” mãi không xong lại quay sang trách cơ chế, chính sách sao bỏ rơi người nông dân cả đời chí thú làm ăn... Nhưng cũng bầu trời đó, mặt đất đó, cơ chế, chính sách đó sao lại có người giàu, kẻ nghèo? Phải chăng người ta giàu có là do không cam chịu, không tìm cách biện minh, luôn quyết tâm và bền bỉ vượt lên trở ngại, khó khăn trong mỗi người, mỗi gia đình.

Ông bà mình hay nhắc: “Cần cù bù thông minh” nên nông dân mình lúc nào cũng chuyên cần, làm lắm lúc đến tay chân nứt nẻ, nhưng rồi chợt một ngày nhận ra rằng, dù cần cù đến mấy sao vẫn không giàu có như nông dân xứ người ta. Coi báo xem đài thấy nông dân người ta cũng “tóc đen, da vàng” như mình, không có “rừng vàng, biển bạc” như mình nhưng lại giàu có hơn nông dân mình. À thì ra, còn một yếu tố gì đó chăng? Hay là, cần cù thì cần cù chứ không thể “bù” cho thông minh được trong một nền nông nghiệp thông minh đang diễn ra trên khắp hành tinh này. Vậy là, nông dân phải là nông dân thông minh. Thông minh để biết được quy luật cơ bản của thị trường, để tự mình quyết định trồng thế nào, nuôi ra sao. Thông minh để biết cách tận dụng những ưu việt của công nghệ để tối ưu hóa quá trình sản xuất và kinh doanh. Thông minh để biết hợp tác cùng nhau, tận dụng lợi thế nhờ quy mô lớn trong mua chung, bán chung. Thông minh để biết chuyển từ sản xuất đơn thuần sang bảo quản, chế biến, cách mua cách bán trong thời đại kỷ công nghệ số.

Vậy, cần cù không chỉ là trên đồng, trên ruộng, mà nông dân mình còn phải cần cù trong học hỏi tiếp thu những kiến thức mới. Không có kiến thức thì “tiền vô nhà khó cũng giống như gió vào nhà trống”, “tiền trong túi là tiền hữu hạn, tiền trong đầu mới là tiền vô hạn”. Rất vui khi biết được nhiều bà con nông dân ham học hỏi lắm! Hội thảo nào cũng đi, tọa đàm nào cũng đến. Học từ các nhà khoa học, các chuyên gia, học từ những nông dân chung quanh mình. Học ngay từ con cháu trong nhà. Học từ trong trường lớp học ra đến đồng ruộng. Học làm thế nào để chi phí giảm mà chất lượng lại được cao. Học để biết thị trường cần gì, người tiêu dùng mong muốn gì. Học để biết bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe cho chính mình, con cháu mình. Nghĩa là, học để trở thành người nông dân thông minh, người nông dân tử tế.

Nông thôn mới là phải làm sao có được nhiều người nông dân ham học. Hơn sáu mươi năm trước, Bác Hồ của chúng ta đã nhắc nhở: “Thế giới không ngừng tiến bộ, ai không học là lùi”! Vậy, chúng ta phải cùng nhau học. Trong quá khứ, chúng ta học để diệt “giặc dốt”, bây giờ chúng ta học để cùng nhau diệt “giặc nghèo khó, tụt hậu”. Trước đây, chúng ta “thức khuya, dậy sớm” để làm lụng thì nay dậy sớm thức khuya để học. Có học mới biết vì sao người ta làm nông một cách “ung dung” mà lại giàu có, còn mình thì mãi tự hào là cần cù nhưng vẫn nghèo, vẫn khó...

“Non cao cũng có đường trèo/Đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi”.

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn