Chuyện một ngã tư

Cập nhật ngày: 14/01/2019 16:11:56

http://baodongthap.com.vn/database/video/2019011404125715-1 Chuyen mot nga tu-Xich Lo.mp3

Trong miền ký ức của những người hơi lớn tuổi một chút đã từng sống ở thành phố mang tên người sáng lập - Ông Bà Cao Lãnh - đều nhớ về một địa điểm quen thuộc được gọi tên là “Ngã tư đèn dầu” mấy mươi năm về trước... Không biết có ai còn nhớ người đầu tiên đã tiên phong mở ra một khu ăn uống bình dân nhưng không kém phần độc đáo này, mà biểu trưng là chiếc đèn dầu đơn sơ, dung dị vậy không?

Mà quả thật là rất bình dân! Thức ăn, đồ uống thì đâu có cao lương mỹ vị gì đâu? Cháo, thì nào cháo vịt cháo gà, nào cháo lòng cháo huyết. Bún thì có bún riêu, bún bò. Gỏi thì gỏi cuốn, bì cuốn. Khô thì nào mực, nào cá đuối, nào cá gộc. Còn ốc thì đủ loại, nào ốc bươu, nào ốc lác, nào ốc gạo, nào ốc đắng, mà hổng thích ốc thì có cua luộc, cua rang. Rồi trứng thì nào trứng vịt, trứng gà, trứng cút. Trái cây đưa cay thì nào cóc nào ổi, nào mận nào khóm, chấm muối ớt cũng ngon, mà quệt miếng mắm ruốt càng đậm nghĩa, đậm tình. Ai muốn ăn chay hay ăn cho nhẹ bụng thì đã có đồ chay. Ôi thôi, toàn là thứ dân dã đồng quê, chủ yếu là gặp nhau, giao lưu với nhau, vui vẻ với nhau là được rồi, câu nệ gì... Hàng quán thì bán trong phố cũng được mà che chòi ngoài đường, kèm với vài ba bộ bàn ghế gỗ ghế nhựa thâm thấp cũng được luôn. Khách ngồi chen chúc, người này kề lưng người kia, không phân biệt sang hèn, vị trí xã hội cao thấp, cán bộ, công chức, thầy giáo, bác sĩ cũng có, mà xe lôi, bốc vác, thợ hồ, thợ mộc cũng đông. Mang giày cũng được, mang dép cũng chẳng sao. Chỉ cần cái đèn dầu, thấp thấp là đèn hột vịt, cao cao hơn là đèn Huê Kỳ, còn treo lên sáng choang, sang trọng là đèn măng-xông là ấm cúng rồi.

Vậy mà vui, vậy mà chan hòa, vậy mà náo nhiệt một góc trời đêm. Thân quen nhau hết, mà chưa quen thì “trước lạ sau quen” mà! Khách thì biết tính rõ nết từng người chủ quán, ai vui tính, ai hay cau có, biết hết. Chủ quán thì thuộc từng cái tên lẫn cái “thứ” và “gu” từng người khách một, thậm chí ai hay ghi sổ đến cuối tháng mới đem trả không cần giấy tờ cam kết gì hết, được hết. Anh này thích ăn đầu gà nè, chị kia khoái món ức vịt. Người này thích mặn, người kia chịu ngọt. Chú Ba thích uống rượu nếp than, anh Bảy lại chọn chai bia vừa túi tiền. “Thích thì chiều, khách hàng là thượng đế mà”! “Tứ hải giai huynh đệ”!

Nói nào ngay, chỗ nào đông người thì không tránh khỏi có lúc ồn ào quá đáng do chen chúc, do “rượu vào thì lời ra”. Nói nào ngay, cũng không tránh khỏi mất vệ sinh môi trường do thói quen khạc nhổ, xả rác tùm lum. Và cũng nói nào ngay, có lúc lời qua tiếng lại giữa chủ với khách, giữa chủ này với chủ kia, giữa khách với nhau. Nhưng rồi sau đó “năm ngày, nửa tháng”, lại xuề xòa với nhau, “chín bỏ làm mười” vì không có khách thì chủ bán cho ai, ngược lại không có những người chủ xởi lởi vui tính, giá cả phải chăng lại nêm nếm vừa miệng thì biết tìm đến đâu lúc cuối ngày, cuối tuần để “tụm năm, tụm ba”, bàn chuyện “trên trời, dưới đất”?!? Hoạt động ẩm thực cộng đồng của xứ Cao Lãnh mình ngày đó chỉ lọt thỏm trong một góc Ngã tư này thôi chứ đâu mênh mông với nhiều khách sạn, nhà hàng, tiệm ăn như bây giờ đâu! Vậy mà, lúc đó dù có lúc đông lúc vắng, nhưng khu ẩm thực vẫn tồn tại mấy mươi năm trời nay rồi...

Nhưng rồi, cái gì cũng có quy luật hình thành, phát triển rồi biến mất thì cái địa danh “Ngã tư đèn dầu” đã không còn le lói những cái đèn dầu nữa, mà đã dần sáng đèn điện rồi. Và, cũng không biết từ khi nào hàng quán ngày xưa thưa thớt dần, rồi chỉ còn lưa thưa vài hàng ăn và cái chợ hoa quả giữa đường. Nhưng bà con đi xa nhà vẫn nhơ nhớ, mà người ở ngay quê cũng không quên địa danh “Ngã tư đèn dầu”. Và chính vì vậy mà chính quyền đã cho khôi phục lại khu ẩm thực tại vị trí ngày xưa. Chủ trương làm “sống” lại một nơi còn lưu dấu nét cũ bước đầu đã được số đông bà con và những người còn hoài cổ đón nhận một cách phấn khích. Cái khu ẩm thực mới này coi bộ sáng hơn, sạch hơn, ngăn nắp hơn, tươm tất hơn.

Hồi xưa, mình còn nghèo thì ăn chỉ cốt cho no bụng, miễn vừa túi tiền là được, mà được vui vẻ chút đỉnh thì càng tốt. Nhưng ngày tháng đã đổi thay rồi, bà con mình khá giả hơn rồi. Vậy là, từ ăn cho no giờ chuyển sang ăn cho ngon, rồi ăn cho sạch, và còn hơn thế nữa, ăn uống không chỉ là đưa thức ăn vào miệng, mà ăn phải có văn hóa. Vậy, cái chợ ẩm thực mới này phải là ngôi chợ văn hóa, văn minh - văn hóa trong ăn uống, văn minh trong mua trong bán! Ngày xưa, nơi đây chỉ là nơi tụ họp của cư dân địa phương ăn uống nhưng sắp tới còn là điểm đến tham quan, trải nghiệm cho khách thập phương nữa đó nghen! Vậy, bà con hàng quán cũng cần phải học cách chế biến sao cho vừa ngon vừa sạch, mua bán, ứng xử sao cho “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”. Học để biết cách sống thuận hòa với nhau, biết tôn trọng nhau, biết cách giữ gìn hình ảnh chung của khu ẩm thực, của đường phố hai bên. Ông bà mình đã nhắc nhở phải “học ăn, học nói, học gói, học mở” kia mà!

Vui quá, giờ thành phố mình lại có một địa điểm để gặp nhau và để hãnh diện giới thiệu với bạn bè gần xa rồi. Và, bà con hàng quán mình cũng đang góp phần tạo dựng hình ảnh một “Thủ phủ Đất Sen hồng” thân thiện, mến khách, văn minh rồi đó. Đâu phải chuyện đùa đâu nghen!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn