Xây dựng ngành điện thành ngành dịch vụ vì quyền lợi khách hàng

Cập nhật ngày: 06/10/2017 17:45:27

ĐTO - Chiều ngày 6/10/2017, Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đến Công ty Điện lực Đồng Tháp để khảo sát về việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch phát triển giai đoạn 2016-2020, xét đến năm 2035. Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Phó Chủ tịch HĐND Tỉnh tham dự buổi khảo sát.

Quang cảnh buổi làm việc tại Công ty Điện lực Đồng Tháp

Trong giai đoạn 2011-2015, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, với nhiều chỉ tiêu chưa đạt so với quy hoạch đề ra. Tuy nhiên, ngành điện đã có nhiều nỗ lực để đáp ứng nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn và góp phần đảm bảo điện cho các sự kiện chính trị, văn hóa của địa phương. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh có điện lưới Quốc gia, có 99,98% hộ dân của tỉnh sử dụng điện.

Toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng mới gần 330km, cải tạo hơn 1.000km đường dây trung thế, đồng thời xây dựng mới gần 1.100km đường dây hạ thế. Công ty Điện lực Đồng Tháp đã quan tâm thực hiện công tác giảm tỷ lệ tổn thất điện năng, tiết kiệm điện để hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh. Công tác tuyên truyền thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn điện nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của khách hàng sử dụng điện cũng được thực hiện tốt.

Trong giai đoạn từ 2016-2025, dự kiến nhu cầu điện năng toàn tỉnh tăng gần 1,55 lần so với năm 2015 và tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hằng năm là 3,7%. Ngành điện sẽ tập trung đầu tư phát triển lưới điện; đầu tư các công trình khác nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải; đẩy mạnh việc xóa điện kế cụm, xóa hình thức chia hơi, kéo chuyền và các hộ dân sử dụng điện không đảm bảo an toàn.

Công ty Điện lực Đồng Tháp kiến nghị Sở Công thương đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh giai đoạn 2016-2025 có xét đến năm 2035; đề nghị các địa phương tiếp tục hỗ trợ và phối hợp với công ty trong công tác vận động giải phóng mặt bằng khi ngành điện đầu tư xây dựng công trình phục vụ nhân dân; đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét, bố trí vốn ngân sách nhà nước cho dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia trên địa bàn.

Qua làm việc, ông Trần Văn Hiếu-Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách, Trưởng Đoàn khảo sát đề nghị Công ty Điện lực Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn điện nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có tai nạn về điện; cần có giải pháp phù hợp đển tiến tới xóa bỏ các điện kế tổng dùng chung; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm tăng năng suất lao động, giảm thất thoát điện năng và tăng hiệu quả sản xuất-kinh doanh; tổ chức hội nghị gặp gỡ khách hàng nhằm ghi nhận phản hồi của khách hàng đối với ngành điện, hướng tới việc xây dựng ngành điện thành ngành dịch vụ vì quyền lợi khách hàng;…

*Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, Đoàn công tác của Ban Kinh tế và Ngân sách đã khảo sát tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch phát triển giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2035  ở huyện Tháp Mười.

Quang cảnh làm việc tại UBND huyện Tháp Mười

Từ năm 2011 đến nay, công tác cung ứng điện phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân trên địa bàn được triển khai thực hiện tốt, góp phần phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tháp Mười đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền tiết kiệm điện, tiết giảm phụ tải. Tăng trưởng công suất trung bình giai đoạn 2011-2015 là 12% và tăng trưởng ước đạt là 9,4%. Đến nay, trên địa bàn huyện đã phủ sóng điện lưới quốc gia, đã có 37.169/38.519 hộ dân toàn huyện sử dụng điện, đạt 99,10%; trong đó số hộ dân nông thôn có điện là 32.110/32.460 hộ, đạt 98,9%. Hiện nay, huyện còn 162 điện kế cụm dùng chung cấp điện cho 1.234 hộ. Ngành điện đã phối hợp tốt với địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thi công các công trình điện theo quy hoạch;…

Hiện nay huyện Tháp Mười đã và đang phấn đấu xây dựng hoàn thành huyện nông thôn mới đến năm 2020 nên nhu cầu phát triển điện rất lớn. Để đáp ứng tiêu chí về điện, các hạng mục công trình đã được khảo sát đưa vào Đề án 2081 theo Quyết định phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 của Bộ Công thương đã được Thủ tướng phê duyệt chưa triển khai được do chưa có nguồn vốn nên Điện lực tỉnh cũng không bố trí các nguồn vốn khác. Huyện Tháp Mười đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương rút công trình điện của huyện ra khỏi danh mục của Đề án để ngành Điện bố trí nguồn vốn khác xây dựng lưới điện trung thế, trạm biến áp và vận động nhân dân đóng góp xây dựng lưới hạ thế.

Ông Trần Văn Hiếu, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách, Trưởng đoàn khảo sát đánh giá cao chức năng quản lý nhà nước về điện trên địa bàn, đồng thời đề nghị địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về các biện pháp sử dụng an toàn về điện cho người dân; quan tâm việc thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn các quy định về điện lực nhằm xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm về điện; thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển điện; chủ động tranh thủ các nguồn vốn của ngành điện và các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư hoàn thiện hệ thống lưới điện trên địa bàn; xoá bỏ các điện kế dùng chung; quan tâm thắt chặt mối quan hệ giữa địa phương và ngành điện…

Tại huyện Tháp Mười, Đoàn Khảo sát đã đi thực tế đường dây hạ thế điện kế dùng chung cung cấp cho 16 hộ dân thuộc ấp Mỹ Phú A, xã Mỹ An.

Phú Thuận- Văn Đề

 

 

 

 

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn