Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đưa kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng sống của Nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh

Cập nhật ngày: 29/06/2020 04:58:52

(Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa X trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI)

(Tiếp theo)

2.2. Đời sống văn hóa - tinh thần ngày càng nâng cao, các vấn đề xã hội được quan tâm, có nhiều tiến bộ rõ nét

Môi trường văn hóa được cải thiện và tiến bộ, vai trò của gia đình, cộng đồng dân cư trong việc giữ gìn truyền thống văn hóa, bồi dưỡng phẩm chất, lối sống tốt đẹp được phát huy. Các hoạt động văn hóa được tổ chức đa dạng, đổi mới, sáng tạo, ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở. Hoạt động giao lưu văn hóa đối ngoại góp phần quảng bá hình ảnh Đồng Tháp đến với các vùng, miền trong và ngoài nước. Một số mô hình tự quản của cộng đồng dân cư được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Việc xây dựng văn hóa trong các cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, khu dân cư và mỗi gia đình được chú trọng. Các công trình văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa được trùng tu, xây dựng, nâng cấp; một số di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn, phát huy.

Tỉnh triển khai đồng bộ các đề án, chương trình nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn từng bước được sắp xếp phù hợp với thực tế của địa phương. Chất lượng giảng dạy và năng lực quản trị trường học của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý từng bước nâng lên, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các ngành học, cấp học tăng cao. Việc duy trì kết quả xoá mù chữ, phổ cập giáo dục đạt kết quả tốt. Việc xã hội hóa lĩnh vực giáo dục có nhiều tiến triển, đặt nền móng cho thay đổi tư duy quản lý, đáp ứng nhu cầu chọn nơi học tập chất lượng cao, phát triển các kỹ năng mềm cho học sinh, có 08 dự án đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đã hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước để tiếp cận với chương trình đào tạo tiên tiến, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa nhiều học sinh du học theo Chương trình du học, vừa học, vừa làm ở nước ngoài.

Công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người dân được thực hiện đa dạng, với nhiều hình thức, nội dung chương trình dạy nghề được đổi mới, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư trang thiết bị trong giảng dạy, gắn kết với nhu cầu doanh nghiệp, chất lượng đào tạo nghề được nâng lên, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động; hệ thống trường Cao đẳng trong Tỉnh với 02 nghề cấp độ Quốc tế, 04 nghề cấp độ Khu vực ASEAN, ngoài đào tạo cho lực lượng lao động trong Tỉnh, thu hút ngày càng nhiều du học sinh tham gia học tập, với 1.073 lưu học sinh đến từ các nước như Campuchia (953 học sinh), Lào (54 học sinh), Bru-nây (03 sinh viên thực tập), Pháp (63 sinh viên thực tập); hệ thống trường nghề đã đào tạo hơn 106.700 lao động, đạt 100,6% so với kế hoạch, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của Tỉnh đạt 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 50%. Công tác hỗ trợ, tổ chức tư vấn về việc làm được thực hiện đồng bộ, ước tính đến cuối năm 2020, tạo việc làm cho hơn 166.000 lao động, bằng 110,6% kế hoạch. Tỷ lệ học viên sau đào tạo có việc làm đạt trên 80%, dạy nghề theo địa chỉ doanh nghiệp đạt 100%. Đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài phát triển mạnh mẽ, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và đào tạo nguồn nhân lực của Tỉnh, số lao động tham gia Chương trình tăng hơn 7,8 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, dẫn đầu các Tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn nhân lực y tế được cải thiện, trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ y tế được nâng lên; có 100% cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện được đầu tư, nâng cấp, phục vụ tốt việc chẩn đoán, điều trị bệnh. Việc sắp xếp, phân công hợp lý các cơ sở y tế, hợp nhất các đơn vị y tế tuyến huyện được thực hiện đầy đủ. Công tác cải cách hành chính trong ngành y tế được đẩy mạnh, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong xử lý công việc, đào tạo chuyển giao kỹ thuật nâng cao năng lực cho tuyến dưới, áp dụng khoa học công nghệ vào công tác khám chữa bệnh đạt hiệu quả, với dự án hệ thống Hội chẩn y tế từ xa tại các bệnh viện, hệ thống thông tin quản lý ngành y tế. Hợp tác quốc tế về y tế được tiếp tục mở rộng; công tác giám sát, khống chế dịch bệnh nguy hiểm trên người có hiệu quả; công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế dự phòng có nhiều tiến bộ. Toàn Tỉnh có 143/143 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế cấp xã. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 90%.

Tỉnh đang xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa Tỉnh, với quy mô 700 giường bệnh. Đưa vào vận hành 05 bệnh viện tư tại 03 trung tâm kinh tế lớn của Tỉnh, góp phần nâng cao năng lực điều trị tại chỗ, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh. Ngoài việc điều trị cho các bệnh nhân trong Tỉnh, các cơ sở y tế còn thu hút một số lượng lớn bệnh nhân quốc tế (Campuchia). Sự phối hợp giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trong việc sử dụng cơ sở vật chất, nhân lực và trang thiết bị y tế đã phát huy hiệu quả.

Hoạt động thể dục, thể thao đạt được nhiều kết quả nổi bật. Thể thao phong trào ngày càng được nâng cao và mở rộng, ước tính đến năm 2020, có 37% dân số tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên, có gần 1.350 câu lạc bộ thể dục thể thao, tổ chức hơn 400 cuộc thi đấu, hội thao, giao lưu thể thao hàng năm thu hút hơn 95.000 lượt vận động viên tham gia; thể thao học đường được quan tâm đầu tư, có nhiều mô hình câu lạc bộ thể thao trường học được thành lập; phong trào thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang phát triển mạnh, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia luyện tập thường xuyên. Thể thao thành tích cao đạt được nhiều kết quả tích cực, cung cấp nhiều vận động viên, huấn luyện viên cho đội tuyển quốc gia, đã mang về nhiều thành tích cho thể thao nước nhà. Hàng năm, cử trên 400 lượt vận động viên tham gia các giải thể thao khu vực, quốc gia, khu vực Đông Nam Á, Châu Á và thế giới, đạt trên 300 huy chương các loại.

An sinh xã hội được quan tâm thực hiện, Tỉnh đã huy động tối đa các nguồn lực để tiếp tục mở rộng đối tượng hỗ trợ về nhà ở theo chương trình xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, người có công. Các chính sách hỗ trợ người nghèo ngày càng đi vào thực tế, thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ học nghề, tìm việc làm, phát triển ngành nghề nông thôn, vay vốn, hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,67%/năm (kế hoạch giảm bình quân 1,5%/năm), ước tính tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2020 còn 1,3%. Hoạt động bảo trợ xã hội được triển khai thực hiện hiệu quả, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia, đã giúp cho những người thuộc diện bảo trợ xã hội, người gặp rủi ro vượt qua khó khăn; đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới hơn 5.200 căn nhà ở cho hộ nghèo, xây dựng mới 2.050 căn nhà tình nghĩa, huy động Quỹ đền ơn đáp nghĩa 45 tỷ đồng, có trên 60.000 đối tượng bảo trợ xã hội được trợ cấp tại cộng đồng, có trên 11.000 người có công và thân nhân người có công được hưởng trợ cấp thường xuyên.

Tuy nhiên, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là thanh thiếu niên; một số danh hiệu văn hóa còn mang tính hình thức, thiếu sân chơi thể thao và các hoạt động gắn kết cộng đồng. Chất lượng nguồn nhân lực có phát triển nhưng chưa tương xứng, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; công tác giáo dục kỹ năng sống còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực xã hội. Việc giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực y tế chất lượng cao, nhất là đội ngũ bác sĩ và các kỹ thuật viên chuyên ngành, có trình độ chuyên sâu còn gặp nhiều khó khăn; tình trạng quá tải vẫn còn xảy ra ở các bệnh viện. Quản lý xã hội còn nhiều bất cập, các chính sách phúc lợi, an sinh xã hội chỉ giải quyết được một phần nhu cầu xã hội. Nhu cầu thiết yếu về dân sinh ở một số nơi trước hết là đất ở cho nhân dân vùng sạt lở, nhà ở cho hộ nghèo, xử lý môi trường, đời sống của cư dân biên giới còn khó khăn.

(Còn tiếp)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn