Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam chuyển mình trong đổi mới và phát triển

Cập nhật ngày: 24/01/2020 15:52:19

Đối với nước ta, nông nghiệp - nông dân - nông thôn có vai trò rất quan trọng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ba vấn đề đó có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, tạo thành một chỉnh thể trong chiến lược phát triển quốc gia.


Nông dân thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện một sự ham muốn tột bậc là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”; người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm. Hồ Chí Minh nêu mục đích của xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn, của xây dựng đời sống mới là “làm thế nào cho đời sống dân ta vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”[1], nhằm “xây dựng một nước Việt Nam mới phú cường”[2].

Vận dụng và phát triển đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đã lãnh đạo đẩy mạnh thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) nông nghiệp, nông thôn. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23-11-2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tinh thần “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” theo Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 15-12-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, là những minh chứng sinh động và đã đi vào thực tiễn đời sống xã hội nông thôn.

Việc quán triệt thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tạo ra những tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh và bền vững, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và môi trường sinh thái trên địa bàn, lĩnh vực đặc biệt quan trọng này.

Phát triển nông nghiệp - nông thôn toàn diện, theo hướng hiện đại hóa, đã trở thành một ưu tiên và then chốt trong chiến lược phát triển quốc gia, nhằm mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn. Cả trong hoạch định chiến lược phát triển quốc gia cũng như tổ chức thực hiện, Đảng và Nhà nước đã tập trung sức lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững hơn, đồng thời với đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ khu vực nông thôn; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, với hệ giá trị văn hóa mới, nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị ở nông thôn.

Xem xét trong bối cảnh đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, trong những điều kiện kinh tế và chính trị cụ thể, ta thấy nhịp điệu tăng trưởng, phát triển của khu vực nông nghiệp - nông thôn và đời sống cư dân nông thôn nước ta qua hơn 30 năm đổi mới đã có những sự bứt phá, đã giải phóng được tiềm năng, sức sản xuất, hướng vào mục tiêu phát triển. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả khả quan, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao. Nhờ đó, xuất khẩu ngày càng tăng với một số loại nông sản đã tiến đến khẳng định vị thế, khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới như: lúa gạo, cao-su, cà-phê, điều, tôm, cá, hoa quả nhiệt đới…

Năm 2019, ngành nông nghiệp đã hoàn thành và vượt 3/4 chỉ tiêu. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt 41,3 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt mức cao 10,4 tỷ USD, tăng 19,3%; tỷ lệ che phủ của rừng đạt 41,85%. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, đến nay, sau 10 năm triển khai, đã đạt nhiều kết quả khả quan, làm đổi thay sâu sắc diện mạo nông thôn Việt Nam. Năm 2019, tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 54%, có 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Người nông dân đã thực sự trở thành chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, được thụ hưởng thật sự những thành quả của đổi mới mang lại. Nhiều mô hình, cách làm ăn mới được hình thành, phát triển. Nông thôn mới được quan tâm quy hoạch theo hướng hiện đại hóa; hạ tầng kinh tế-xã hội có bước phát triển cơ bản; cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch tích cực; kinh tế phát triển khá cao, nâng cao thu nhập cư dân nông thôn; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và chính sách xã hội, an sinh xã hội ngày càng được chăm lo. Đến nay, đã có nhiều hình thức tổ chức sản xuất như mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, hợp tác xã kiểu mới, kinh tế hộ, “Công ty gia đình”... ra đời và phát triển có hiệu quả ở nông thôn. Lĩnh vực giáo dục-đào tạo ở nông thôn được quan tâm chăm lo, với phong trào khuyến học, khuyến tài, chăm lo xây dựng trường lớp học cho con em nhận được sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Đời sống văn hóa nông thôn được chăm lo, với hệ thống thông tin truyền thông từng bước hiện đại hóa. Hệ thống nước sạch, vệ sinh môi trường có bước cải thiện. Hệ thống chính trị ở cơ sở nông thôn được đổi mới, nâng cao một bước chất lượng hoạt động.

Kết quả đó thể hiện sự sáng tạo, đổi mới trong điều hành và bứt phá trong hành động, làm cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn Việt Nam hòa được vào dòng chảy chung của công cuộc đổi mới và hội nhập, với nhiều lĩnh vực “tiên phong”, dẫn đường và mở đường, góp phần gia tăng sức mạnh kinh tế và tiềm lực quốc gia[3]. Sau hơn 30 năm đất nước đổi mới vươn mình, nhiều vùng nông thôn đã trở nên ấm no, trù phú, diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đổi thay sâu sắc cùng với đất nước và con người Việt Nam, góp phần làm cho “đất nước, xã hội và con người” đều đổi mới.

Tuy nhiên, trong đổi mới và phát triển, nông nghiệp - nông dân - nông thôn Việt Nam vẫn tiềm ẩn những rủi ro, nguy cơ đòi hỏi phải tỉnh táo nhận diện và có giải pháp chiến lược, mang tầm vĩ mô để giải quyết, cả trước mắt và lâu dài. Đó là, nền nông nghiệp vẫn chưa khắc phục được những yếu kém nội tại, kinh tế nông thôn đang phát triển không đồng đều, thiếu ổn định, mà bài toán “được mùa mất giá”, tính bấp bênh của đầu ra nông sản,… với sự thua thiệt thường rơi vào người sản xuất khu vực nông nghiệp - nông thôn, là thí dụ điển hình. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân dù đã cải thiện nhưng vẫn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao; vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát chặt chẽ. Nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như dịch bệnh gia súc, gia cầm từng xâm nhiễm và lan rộng trên cả nước, gây thiệt hại lớn; tác động của biến đổi khí hậu, từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, làm cho sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản chủ lực luôn đứng trước những rủi ro.

Bên cạnh đó, khi “lũy tre làng bị phá vỡ” bởi tốc độ đô thị hóa, CNH, HĐH, không gian văn hóa nông thôn đang phải đối mặt với sự “xâm thực” của nhiều yếu tố văn hóa mới lạ, khiến cho sự “xung đột” văn hóa diễn ra hết sức phức tạp, không ít yếu tố trở thành lực cản, phản động lực, phản phát triển trong tiến trình xây dựng nông thôn mới; sự tăng tiến về vật chất nhưng chưa đi liền với sự phát triển của đời sống văn hóa tinh thần, khiến nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp bị mai một.

Xây dựng nông thôn mới và quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, thì những phương hướng, nhiệm vụ và biện pháp nêu ra phải hướng vào hóa giải cho được những mâu thuẫn, “nút thắt” nêu trên, sát hợp với tình hình cụ thể của đất nước và bối cảnh quốc tế, đặt trong dòng chảy đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, đối với nước ta, nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Đó cũng chính là chiến lược phát triển, là một sự bảo đảm cho tính bền vững, ổn định và phát triển của quốc gia. Trong bối cảnh tình hình hiện nay, trước đòi hỏi khách quan của thực tiễn khi phát triển nông nghiệp - nông thôn, khi đẩy mạnh chiến lược quốc gia xây dựng nông thôn mới, để giải quyết bài toán phát triển của mình, nông nghiệp, nông dân, nông thôn (qua những bài học thành công và chưa thành công) rất cần tiếp tục được khơi gợi thật hiệu quả các nguồn lực, phát huy cao nhất nội lực, vươn mình đổi mới, phát triển và hội nhập sâu rộng vào hệ tiêu chuẩn phổ biến phù hợp xu thế phát triển và hội nhập hiện nay. Trong đó, cần giải quyết hài hòa các mối quan hệ lớn trong tiến trình phát triển nông nghiệp - nông thôn, lấy đổi mới sáng tạo, trên nền ổn định cao, bền vững là chìa khóa để phát triển thành công.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, t.5, tr.113.

[2] Sdd, t.5, tr.128.

[3] Trong năm 2019, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh trong khi kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm. Ngân hàng Thế giới – World Bank đã nhận định: Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam. Điểm sáng kinh tế Việt Nam là tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7%, vượt kế hoạch đề ra, nâng quy mô GDP lên 266 tỷ USD, bình quân 2.800 USD/người, gấp gần 10 lần quy mô GDP trên đầu người khi nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, năm 1996. Theo đánh giá mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã tăng lên 10 bậc từ hạng 77 lên 67. Đây là lần đầu tiên Việt Nam vượt lên nửa trên của bảng xếp hạng thế giới ở vị trí 67/141 quốc gia.

PGS,TS ĐỖ XUÂN TUẤT

Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh

Theo NDĐT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn