Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong vận tải hành khách tại 8 tỉnh, thành phố

Cập nhật ngày: 16/07/2016 06:00:45

Bộ Giao thông và Vận tải (GT-VT) tiếp tục triển khai thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố miền Trung và phía Nam gồm: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hoà và Đồng Tháp.


Bộ GT-VT công bố triển khai ứng dụng Vinasun app trong hoạt động vận tải hành khách tại 8 tỉnh, thành phố.

Tại Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh, Bộ GT-VT phối hợp cùng Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh công bố việc thực hiện “Đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng” của Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Corp.) trong thời gian 2 năm (từ tháng 7/2016 đến 7/2018).

Theo đó, Vinasun Corp. được phép triển khai thí điểm việc cung cấp ứng dụng Vinasun app cho hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hoà và Đồng Tháp. Cụ thể, các xe hợp đồng được kết nối bằng Vinasun app sẽ được dán tem nhãn hiệu V.CAR.

V.CAR là một dịch vụ mới của Vinasun Corp. hoạt động thông qua ứng dụng Vinasun app trong kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách bằng xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tablet… đã được các Sở GT-VT cấp phù hiệu xe hợp đồng.

Cụ thể, khách hàng đặt xe qua ứng dụng Vinasun app sẽ quản lý được lộ trình và tiền cước cho quãng đường di chuyển hiển thị trên tablet hoặc trên điện thoại di động của hành khách. Đồng thời, khách hàng có thể thanh toán tiền cước bằng tiền mặt hoặc bằng thẻ qua máy POS (chấp nhận tất cả các loại thẻ ATM nội địa và quốc tế).

Riêng xe V.CAR do Vinasun đầu tư và đang thử nghiệm tại một số tỉnh, thành phố với 2 dòng xe Camry và Fortuner, với giá cước tương đương với taxi truyền thống, được khách hàng ưa chuộng và đánh giá cao.

Vinasun Corp. đã ứng dụng đặt xe Vinasun app với loại hình taxi truyền thống trên 6.300 xe tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Khánh Hoà...

Tại buổi công bố, ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh cho hay, hiện việc ứng dụng phần mềm kết nối giữa người đi với các doanh nghiệp vận tải hành khách được Bộ GT-VT cho phép thực hiện thí điểm tại hai đơn vị là Taxi Vinasun và Grab.

Cũng theo ông Minh, khác biệt lớn nhất trong việc thí điểm là nếu như theo Nghị định 86 của Chính phủ, các xe chạy hợp đồng đều phải có hợp đồng bằng giấy về vận chuyển hành khách, còn đối với hai đơn vị Taxi Vinasun và Grab sẽ thực hiện vận chuyển hành khách bằng hợp đồng điện tử.

“Có thể nói, đây là bước tiến quan trọng nhất trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ vận tải hành khách, cũng là khác biệt đối với phần mềm Uber hiện nay. Đối với các doanh nghiệp và hợp tác xã nếu liên kết với Uber, ngoài việc phải có giấy phép kinh doanh, phù hiệu và tuân thủ đầy đủ các quy định của Nghị định 86 thì các hợp đồng vận chuyển hành khách cũng chỉ được thực hiện trên giấy”, ông Minh nói về bước tiến trong dịch vụ khi tham gia thí điểm so với phần mềm Uber hiện nay.

Cũng theo đại diện Bộ GT-VT, quan điểm của Bộ GT-VT luôn ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong vận tải hành khách nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển hành khách, đồng thời, giúp doanh nghiệp vận tải quản lý chặt chẽ hơn và hỗ trợ đắc lực cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý đối với loại hình vận tải hành khách.

Đây cũng là bước tiến trong việc quản lý và điều hành vận tải hành khách tại TP Hồ Chí Minh. Đề nghị Sở GT-VT TP tiếp tục cập nhật thông tin để hoàn chỉnh hơn về dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách.

Ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng giám đốc Vinasun Corp. cho biết, trước mắt, Vinasun sẽ tăng đầu xe Vcar thuộc sở hữu của Công ty tại các tỉnh, thành phố mà Bộ GT-VT cho phép. Về lâu dài, Vinasun sẽ hoàn thiện phần mềm và nâng cấp dịch vụ để có thể cung cấp phần mềm với tiện ích tốt nhất cho các đơn vị kinh doanh vận tải, các hợp tác xã vận tải đủ điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật, hướng đến mục tiêu khách hàng là trên hết.

Cũng theo ông Hỷ, từ khi đưa Vinasun App vào khai thác, khách báo thất lạc hành lý giảm đáng kể từ 270 vụ/tuần xuống còn dưới 100 vụ/tuần; lái xe tự giác khai báo và trả lại tài vật cho khách bỏ quên hoặc rơi rớt trên xe tăng nhanh từ 1500 vụ/tháng lên trên 2400 vụ/tháng; tìm kiếm thành công hành lý tăng nhanh từ 30% lên 72% số vụ.

Trước đó, từ tháng 7/2015, Vinasun app chính thức thử nghiệm tại thị trường TP Đà Nẵng. Đến tháng 10/2015, Vinasun app chính thức triển khai tại các thị trường TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Khánh Hoà…

D.Út (Hà Tuấn/HNMO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn