“Miệt nhớ” và những kí ức trong veo

Cập nhật ngày: 03/06/2015 05:48:19

Trong hành trình mải miết đi về phía ngày mai của mỗi người, ai cũng từng có cho mình những kí ức tuổi thơ trong trẻo; một góc nhà quê, một con phố nhỏ nơi đựng đầy tiếng cười biếc xanh bè bạn. Hay đơn giản hơn là hình ảnh cầu vồng hiện phía sau mưa, những buổi chiều ra sông dòm con nước lớn, những ngày đông se lạnh bà gom lá sân vườn, màu lửa bập bùng, những bàn tay bé xíu của mấy chị em run run hong lửa ấm. Tất cả những hình ảnh đó đã được Nguyễn Phạm Đình Thảo chắt lọc, ghi lại và gọi bằng tên của tròn vẹn niềm thương nỗi nhớ: “Miệt nhớ” - đó cũng chính là nhan đề cho toàn tập CD gồm 9 tản văn đã được thu và phát sóng trên Đài Phát thanh Đồng Tháp cũng như in trên vài tờ báo khác.

Cái hay của “Miệt nhớ” không chỉ nằm ở những câu văn ngọt ngào đằm thắm như lời thủ thỉ kể lại câu chuyện nhà quê, khi như nỗi lòng trăn trở trước những đổi thay của hôm nay với ngày hôm qua của Nguyễn Phạm Đình Thảo mà cái hay còn được cảm nhận chính bằng giọng đọc trầm ấm, truyền cảm của nhiều phát thanh viên gạo cội như: Thanh Hảo, Hoàng Sơn, Minh Trí. Chất giọng trầm ấm sâu lắng ấy dẫn người nghe trở về với bao kỷ niệm xa ngái, dường như ai cũng thấy phảng phất nơi ấy hình ảnh của chính mình.

Không biết có phải vì bên kia đường trước cửa nhà tôi cũng có một dòng sông chảy qua, những ngày còn nhỏ, má hay mượn ra dòm xem nước lớn hay ròng nên tôi đặc biệt thích “Dòm con nước lớn” của anh. Đó là hình ảnh của cái bến quê nhỏ xíu mà má vẫn “ngồi mí cầu dừa tắm cho đám con nheo nhóc”, cái bến quê của lộp cộp tiếng tháo dây xích xuồng; bến quê chật tiếng cười của dì, của má rửa rau, giặt áo. Rồi lớn lên, người cũng xa làng, cái dòng nước mướt xanh thôi chảy qua bên kia mé nhà ở phố, nhưng hình ảnh bến nước và tình người nhà quê thì khó lay chuyển được. Dòng sông dẫu ở xa rồi nhưng “biết cách dòm sẽ thấy, thấy thì phải giữ cho được”!

Rồi khi đã thành người nhập cư với phố, giữa những ồn ả thị thành, người cũng biết giữ lại cho mình những giây phút lắng lòng không chỉ với quê xa mà còn với chính nơi mình đang ở. Đó là “Miền xanh nét phố” với hình ảnh của “phố có thiệt nhiều đường, mỗi đường khoe một dáng cây”, hàng sao mùa về thảy ngàn cánh mỏng tít xoay, nó bay qua tiếng chuông chùa ẩn xa xa nơi vườn liễu. Những hàng me mùa chua xanh trái nhắc nhớ món canh chua bạc hà má hay nấu hồi ở quê. Hay bình thường và giản đơn hơn là những mùi vị và âm thanh của phố, cái mùi thịt nướng thơm lừng bay xa phía quán cơm tấm ven đường, tiếng lá cây xạc xào ru giấc trưa mùa hạ trên mái tôn... Những thứ hình ảnh, âm thanh ấy gần gũi dung dị lắm, dung dị đến mức nhiều khi ta quên nó vẫn đang có quanh mình nếu không dừng lại mà nghe, mà nếm, mà bâng khuâng với những nỗi buồn thiệt lạ.

Tôi cũng từng nhiều lần ngang qua Sa Đéc nhưng chưa bao giờ thấy phố này là trọn vẹn của mình như anh trong “Sa Đéc, hôm qua...”. Sa Đéc của Nguyễn Phạm Đình Thảo mỗi sáng có “tiếng vọng chuông, tiếng kinh cầu thay cho những bản bolero xưa cũ”, “cây cầu sắt quay nối qua phố bên dòng Sa Giang, đất lở hoang mang lòng người”. Ở đó, chợ ven sông xuồng ghe tấp nập, hợp thành mớ âm thanh pha lẫn giữa quê và phố. Có cả ông họa sĩ già đêm đêm dạy những bài học vở lòng cho bọn trẻ con bên trong ngôi đình xưa cũ dùng làm nhà văn hóa. Hẳn nhiên là quê ngoại nên Sa Đéc với anh gần lắm, thân thương ruột rà lắm. Và đúng như anh nói “Chỉ có nỗi nhớ quen là gần gũi”.

Vẫn còn nhiều lắm những nỗi nhớ xôn xao vơi đầy trong miền nhớ của anh, đó là cảm giác bình yên khi được ngả vào lòng bà, hít cái vị cay xè của khói lá trong “Khói lá vườn đông”, hay một mùa thu mướt xanh trong veo nỗi nhớ nào đã lỡ đi qua đời người, vẫn còn run run bàn tay ấm mềm kỉ niệm trong “Thu còn nỗi nhớ trong veo”. Một góc thị trấn nhỏ lấm tấm màu hoa, cây sào cắm bên kia dòng sông Hậu, bóng nội cong oằn bến sông... trong nhiều tản văn khác.

Cảm ơn Nguyễn Phạm Đình Thảo và “Miệt nhớ” đã cho người nghe được tan vào một thế giới xào xạc gió, mênh mông hoài niệm, nhận ra từng mất mát phía mùa đi để trân trọng từng khoảnh khắc rồi “cảm ơn những mới mẻ, non xanh đã níu cậu về, hôm qua...”.

Nguyễn Giang San

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn