Người lớn “mệt” với “ngôn ngữ teen”

Cập nhật ngày: 03/06/2015 05:47:12

Việc các bạn trẻ “sáng tạo” từ mới và biến tấu ngôn ngữ chính thống để tạo ra loại ngôn ngữ mà các bạn cho là “ngôn ngữ teen” đã khiến không ít các bậc cha mẹ lúng túng, khó chịu. Nhiều người than, đọc tin nhắn của thanh thiếu niên bây giờ như đọc mật thư. Nhưng với các bạn trẻ, đó là cách chứng tỏ mình là dân sành điệu...

Viết tắt, không bỏ dấu, thêm bớt hoặc ghép nửa tây nữa ta, viết không đúng với tiếng Việt như: “luk” (lúc), “iu” (yêu), “j” (gì), “2” (xin chào), “bun” (buồn),... là cách được nhiều bạn trẻ sử dụng hiện nay. Theo các bạn, đây là “mốt” đang thịnh hành. Với “mốt” này của các bạn trẻ, nhiều phụ huynh muốn đọc hay kiểm tra tin nhắn của các con để kịp thời chấn chỉnh những hành vi sai phạm đã phải “lực bất tòng tâm”. Chị Bùi Thị Hạnh (phường 6, TP.Cao Lãnh), có con đang học lớp 11 cho biết: “Nhiều lần nhận tin của con gái gởi, tôi đã không thể nào dịch nổi. Các chữ trong tin nhắn được đơn giản hóa đến hết mức, nhiều chữ viết không đúng với tiếng Việt. Có lần cháu nhắn cho tôi thế này: “m ko nha hok, chay wa cq3 rươk con. Nho mag non” (mẹ có nhà không, chạy qua cơ quan ba rước con. Nhớ mang nón). Sau một hồi luận mà không ra nghĩa tôi đành phải gọi lại cho con. Giờ không biết tụi nó học đâu ra lối viết chữ vậy, không hiểu nổi. Tôi bảo con bé nhiều lần là không được viết vậy nữa thì nó bảo quen rồi, các bạn ai cũng viết vậy, giờ mà viết bình thường thì chúng nó sẽ cười, chê nhà quê!”.

Ngoài ngôn ngữ “chẳng giống ai” trong tin nhắn, chat, viết trên Facebook, nhiều bạn trẻ còn cho “ra lò” nhiều thuật ngữ mới. Chẳng hạn như gần đây trên mạng xã hội Facebook xuất hiện thuật ngữ mới được các bạn trẻ ưa chuộng là “FA”. Theo các bạn trẻ “FA” là Forever Alone (mãi mãi một mình) để chỉ những ai đang “ế”. Hay từ “bá đạo” để chỉ những hành động, việc làm của ai đó nổi trội hơn người khác, và nếu là dân teen thì không ai không biết đến từ “ném đá” hay “chém gió”,... Và, khi một từ lạ nào được “ra lò” nó như cơn lốc phát tán rộng rãi trong giao tiếp của rất nhiều bạn trẻ.

Nhiều bạn trẻ cho rằng “trung thành” với cách viết truyền thống sẽ bị chê là nhà quê, không theo kịp trào lưu, vì vậy càng viết khó hiểu càng chứng tỏ mình là dân sành điệu. Em Nguyễn Lê T. - học sinh Trường THPT Đỗ Công Tường nói: “Bây giờ, nói hay viết bình thường là tụt hậu, “hai lúa” lắm. Thời buổi này công nghệ phát triển, mình phải “đu” theo công nghệ, phải thường xuyên lên facebook để tích lũy cho mình số vốn kha khá “thuật ngữ teen” để “tung chiêu” những khi cần. Đặc biệt, cái lợi lớn nhất là khi dùng ngôn ngữ theo kiểu này sẽ đảm bảo được quyền riêng tư”.

Còn em Huỳnh Thủy T. - học sinh Trường THPT Thành phố Cao Lãnh chia sẻ: “Ban đầu, em cũng không có ý định dùng “ngôn ngữ teen”, nhưng khi nhắn tin cho các bạn, em viết bình thường thì bị các bạn chê là quê. Vì vậy, em đành phải viết tin nhắn lại cho các bạn bằng “ngôn ngữ teen”, riết rồi thành quen”.

Việc sử dụng ngôn ngữ trên đối với lứa tuổi thanh thiếu niên có thể là sự mới lạ, thú vị, hài hước,... giữa những người bạn cùng độ tuổi. Tuy nhiên, nếu sử dụng ngôn ngữ này thường xuyên có thể các em không ý thức được trách nhiệm giữ gìn, phát triển ngôn ngữ phổ thông, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Các bạn trẻ nên hiểu rằng việc sử dụng “ngôn ngữ teen” không hề liên quan đến việc đánh giá, khẳng định người sử dụng có theo kịp trào lưu, có sành điệu hay không mà là ở cách hành xử, sự hiểu biết của mỗi người. Sẽ chẳng có lợi ích nào khi các bạn sử dụng “ngôn ngữ teen” theo kiểu làm lu mờ sự trong sáng của tiếng Việt.

BÍCH LIỄU

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn