Đề nghị đưa Hò Đồng Tháp vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Cập nhật ngày: 31/12/2014 13:30:46

Bà Trần Thị Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ký tờ trình đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa Hò Đồng Tháp vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hò Đồng Tháp ra đời đầu thế kỷ XIX và giao thoa từ nhiều dòng văn hóa của người bản địa (các dân tộc Kinh, Chăm, Khmer, Hoa) lúc bấy giờ. Năm 1954, người mang điệu Hò Đồng Tháp cùng tập kết ra Bắc là nghệ sĩ Kim Nhụy; giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê đã thuyết giảng về dân ca Việt Nam - trong đó có Hò Đồng Tháp ở 67 quốc gia. Hò Đồng Tháp có những đặc trưng riêng mà không điệu hò nào ở Nam bộ có được. Đặc trưng nhất, Hò Đồng Tháp chỉ hò một mình, không có hình thức đối đáp. Đó là tâm tình, là tự sự của con người về tình duyên, về số phận, những buồn vui cuộc đời. Cũng có khi có bài hò để phê phán, để lên án những cái ác, cái xấu. Phản ánh mọi mặt của đời sống nên nội dung của Hò Đồng Tháp vô cùng phong phú. Hò Đồng Tháp có 3 thể loại: hò cấy, hò huê tình, hò khoan. Ngoài 3 thể loại trên trong điệu hò Đồng Tháp còn có hò bắt xác.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Hò Đồng Tháp vẫn khẳng định giá trị là loại hình di sản văn hóa phi vật thể có ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt văn hóa của người dân Nam bộ nói chung, Đồng Tháp nói riêng.

Để góp phần khôi phục và phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc này, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp phối hợp các nhà chuyên môn đã tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, mở các tập huấn lớp truyền dạy về Hò Đồng Tháp ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Kết quả là hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đã có hơn 300 người có thể hò và viết lời mới cho Hò Đồng Tháp, mang lại sức sống mới cho điệu hò xưa. Việc đề nghị đưa hò Đòng Tháp vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia của UBND tỉnh Đồng Tháp là một tín hiệu vui và là một lời khẳng định về khả năng duy trì, phát triển của điệu Hò Đồng Tháp trong tương lai.

Nguyễn Đình Tô

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn