Điện ảnh Việt Nam thời kỳ mới: Chưa mới?!

Cập nhật ngày: 29/11/2012 09:39:02

Hai cuộc hội thảo lớn trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 2 (LHPQT HN 2) đã diễn ra trong không khí khá sôi nổi. Ngoài những bài tham luận là những ý kiến trao đổi của những người trực tiếp tham gia hoạt động điện ảnh của Việt Nam và bạn bè quốc tế. Các vấn đề vướng mắc của điện ảnh Việt Nam (ĐAVN) hiện nay cũng đã được “mổ xẻ” thẳng thắn.


Phim Thiên mệnh anh hùng thu hút khán giả trong suất chiếu ra mắt

Chới với trong thời công nghệ số

Trước những trình bày của các nhà sản xuất, phát hành lớn của nước ngoài tham gia hội thảo “Xu hướng phát triển điện ảnh trong thời kỳ công nghệ số”, các nhà sản xuất, phát hành Việt Nam chỉ biết “ngưỡng mộ” và hy vọng.

Khi xu thế của thế giới hiện nay dần xóa bỏ phim nhựa 35mm (vì chi phí đầu tư cho phần nguyên liệu, kỹ thuật là rất lớn) để chuyển sang làm phim theo định dạng kỹ thuật số, thì sự chuyển mình của Việt Nam cho công nghệ này là khá vất vả và thiếu đồng bộ. Trang bị lại máy móc, phòng chiếu, đầu tư phần hậu kỳ là khoản kinh phí khổng lồ, không phải nhà sản xuất, phát hành nào cũng có thể đáp ứng ngay được.

Hai đại diện của nhà sản xuất, phát hành phim Việt Nam đã nêu khó khăn khi phải tốn kém phần hậu kỳ tại Thái Lan, vì hiện nay Việt Nam chưa có sự chuyển đổi từ kỹ thuật số sang nhựa; trong khi, muốn phát hành phim tại Việt Nam để có thể khả dĩ thu lại vốn, bắt buộc phải phát hành dưới cả 2 định dạng - phim nhựa và digital kỹ thuật số. Những chia sẻ kinh nghiệm từ các bạn bè quốc tế, xem chừng khó áp dụng ngay vào tình hình thực tế hiện nay; thế nên, các nhà sản xuất, phát hành Việt Nam vẫn chỉ là nghe, hiểu về một xu thế tất yếu và cố gắng chuyển mình… nhưng chưa biết đến bao giờ?

Nội dung, kỹ thuật vẫn còn “non”

“Làm phim cho khán giả đến xem, hay làm phim cho những giá trị nghệ thuật?”, câu hỏi của đạo diễn Vinh Sơn, cũng là câu hỏi của rất nhiều người làm phim Việt hiện nay, nhưng vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng và “lối thoát” khả thi. Đạo diễn Lê Hoàng nhận mình là người của cả 2 bên - nhà nước và tư nhân, lại cho rằng: “Nên học tập cách làm phim của tư nhân”. Đạo diễn Lê Hoàng khẳng định: “Phim tư nhân đã tiến bộ cực kỳ nhanh, cạnh đó là việc đầu tư kinh phí cho phim thường gấp 4 lần so với phim nhà nước”.

Chính vì vậy, đạo diễn Lê Hoàng cho rằng: “Phải hết sức có trách nhiệm với nguồn kinh phí khiêm tốn này, khi nhận làm phim nhà nước”. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bộ phim mới nhất của anh - Cát nóng, được chọn chiếu khai mạc LHPQT HN 2, khán giả không khỏi thất vọng. Câu chuyện phim phản ánh một vấn đề nóng - lấy đất xây dựng khu resort, ẩn trong đó là ý nghĩa bảo vệ môi trường, nhưng nhiều tình tiết và tính cách nhân vật vô lý, gượng ép và áp đặt; không ít lời thoại khiến người nghe phì cười vì quá tự nhiên chủ nghĩa; phần hình ảnh thiếu độ sắc nét cũng lấy mất tình cảm của khán giả.

Trước buổi công chiếu, đạo diễn Lê Hoàng không ngại ngần tiết lộ: “Đây là phim nhựa được quay bằng máy video”; và có lẽ điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh của phim chăng?!

Các nhà hoạt động điện ảnh nước ngoài có mặt tại LHPQT HN 2 khi nhắc đến ĐAVN vẫn chỉ nhớ đến các phim: Bao giờ cho đến tháng 10, Thương nhớ đồng quê, Cánh đồng hoang, Cô gái trên sông, Chiến thắng Điện Biên Phủ… Họ thật sự ngưỡng mộ đạo diễn và những bộ phim thời kỳ này vì cho rằng thời kỳ đó kinh tế Việt Nam còn hết sức khó khăn nhưng Việt Nam đã có những bộ phim rất hay, mang đầy tính nhân văn, cùng ý nghĩa cuộc sống và con người Việt Nam.

Họ cũng bày tỏ hy vọng rằng, kinh tế Việt Nam hiện nay đã phát triển, Việt Nam rồi sẽ có những bộ phim giá trị như thế. Bản thân người làm ĐAVN cũng cho rằng, chúng ta không thể “ăn mãi” vào hào quang của những bộ phim thuộc về kinh điển của ĐAVN, mà phải có những bộ phim kế thừa. Nhưng chừng nào có và có bằng cách nào thì chưa có câu trả lời cụ thể, khi mà tư duy, kinh phí còn hạn chế như hiện nay.

Trước phản ứng gay gắt của dư luận về chất lượng bộ phim được chọn chiếu khai mạc LHPQT HN 2, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng ban tổ chức LHPQT HN 2 cho biết: “Tiêu chí cho phim chiếu khai mạc LHPQT HN phải là bộ phim mới, chưa từng công chiếu và Cát nóng đã đáp ứng được yêu cầu này. Ban tổ chức chọn vì Cát nóng có đề tài đương đại, phim được Hội đồng thẩm định phim đánh giá là phim tốt, phù hợp chiếu khai mạc”.

Suy cho cùng, nội dung, cách thể hiện phim Việt hiện nay vẫn luôn là đề tài tranh luận về chuẩn mực thế nào là một phim tốt (chưa dám nói hay), phù hợp với số đông công chúng?! Câu nhận xét của NSND Thế Anh ngay sau đêm khai mạc vẫn khiến người yêu ĐAVN phải nhói lòng: “Cứ để ĐAVN xuống tận đáy đi, rồi nó sẽ tự ngoi lên”!

ĐH (Theo Như Hoa-SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn