Hát ru Đồng Tháp - Tiềm lực và giải pháp bảo tồn

Cập nhật ngày: 16/07/2014 05:30:19

Tại hội thi Chi Hội trưởng phụ nữ giỏi, liên hoan hát ru và hát dân ca tỉnh năm 2014 tổ chức giữa tháng 5 vừa qua, Thạc sĩ - nhạc sĩ Trần Tấn Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh (VH-ĐA) tỉnh Đồng Tháp cho biết, qua chương trình dự thi của 12 đội thuộc 12 Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện, thị, thành phố, đa số chị em có chất giọng tốt, nhưng đáng tiếc các đội đã nhầm lẫn giữa hát ru với bài hát “Ru con” dân ca Nam bộ.


Tiết mục hát ru của đơn vị phụ nữ huyện Lai Vung tại hội thi

Huyện Châu Thành là đơn vị hát ru đúng nguyên bản nên được xem là hát chuẩn nhất và hay nhất. Về góc độ quản lý ngành, nhạc sĩ Trần Tấn Lực cũng cho biết qua hội thi, nhiều chị em có khả năng ru tốt sẽ được tập huấn kỹ để hát đúng nguyên bản, xem đây là lực lượng cốt cán đầu tiên trong việc gìn giữ và nhân rộng một loại hình nghệ thuật dân tộc.

Được biết, đội tuyển hát ru của phụ nữ Đồng Tháp cũng đang được Hội LHPN và Trung tâm VH-ĐA tỉnh tuyển chọn chuẩn bị tham dự Hội thi hát ru khu vực Nam bộ do Trung ương Hội tổ chức trong thời gian tới. Phần dự thi của đội nhà ngoài tự giới thiệu khái quát về quê hương Đồng Tháp, những nỗ lực của phụ nữ trong công cuộc xây dựng và đổi mới tỉnh nhà là phần hát dân ca và nhạc cổ truyền bao gồm 3 tiết mục: tổ khúc dân ca với các điệu lý, hát ru, vè Đồng Tháp nói về phong trào “5 không 3 sạch” của các cấp hội phụ nữ cơ sở; liên khúc dân ca về vai trò người phụ nữ theo tiêu chí mới tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang theo Đề án 343/PN của TW Hội về việc giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phần hò Đồng Tháp và ca vọng cổ. Tất cả sẽ được dàn dựng công phu với hoạt cảnh minh họa, múa và hình ảnh cổ động trực quan.

Sinh sống giữa vùng đất ven sông Tiền, sông Hậu hiền hòa, ruộng vườn bát ngát phù sa, tiếng mẹ ru nơi đây cũng ngọt ngào phong phú như sắc màu thiên nhiên ban tặng quê nhà. Phụ nữ Đồng Tháp có tố chất hát ru tốt nhưng chưa được thường xuyên hâm nóng và sàng lọc, có chăng chỉ ở đỉnh cao các cuộc liên hoan, hội diễn, còn trong sinh hoạt đời thường, những người mẹ trẻ ngày nay dường như không có thời gian nhàn hạ, nội trợ như ngày xưa để thư thả ru con bên cánh võng. Với góc độ chuyên môn, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm VH-ĐA tỉnh cho biết, cơ quan đã và đang có kế hoạch đưa hát ru vào các câu lạc bộ và Trung tâm VH-ĐA các huyện, thị, thành phố, đồng thời kết hợp Sở Giáo dục và Đào tạo đưa nghệ thuật hát ru vào môn nhạc ở các trường học.

Hy vọng với những nỗ lực căn bản bước đầu, sự độc đáo và cần thiết của hát ru sẽ là động lực cho những người mẹ trẻ sắp xếp thời gian đến với hát ru nhiều hơn, bởi chính họ là người hiểu hơn ai hết, nhân cách và tâm hồn con trẻ sẽ không bị khiếm khuyết khi được mẹ hiền gieo vào tâm thức những làn điệu ru con êm đềm, chứa chan tình yêu nước ngay từ lúc nằm nôi.

Thanh Tuyền

< Trở về trang trước
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
  • Bùi Thị Thúy Lan - buithithuylan@gmail.com
  • Tiết mục hát ru (ảnh minh họa trên) là của đơn vị phụ nữ huyện Lấp Vò.
 
Gửi bình luận của bạn