Không thể tùy tiện trong sáng tạo nghệ thuật

Cập nhật ngày: 31/08/2019 14:53:15

Thời gian gần đây, những ca khúc có nội dung nhảm nhí, vô bổ, lạm dụng ngôn ngữ đời thường xuất hiện với tần suất dày đặc trên internet (in-tơ-nét) khiến dư luận lo ngại. Không ít nhạc sĩ, nhất là các nhạc sĩ trẻ đã nhân danh thử nghiệm, làm mới... để đưa vào sáng tác của mình những ngôn từ suồng sã, thậm chí phản văn hóa. Ðáng lo ngại là các sản phẩm này đang được lan truyền với tốc độ nhanh chóng và được một bộ phận công chúng cổ súy.

Hiện nay, với sự hỗ trợ của internet, việc phổ biến một ca khúc mới khá dễ dàng. Người sáng tác có thể tự thu âm và đưa bài hát của mình lên các trang trực tuyến, mạng xã hội mà không phải chịu bất kỳ sự kiểm duyệt nào từ phía các cơ quan chức năng. Nhưng cũng chính từ đây xuất hiện tâm lý viết bừa, viết ẩu để chạy theo số lượng, đáp ứng sự hiếu kỳ của người nghe. Thậm chí, một số nghệ sĩ tự cho mình cái quyền "thích viết gì thì viết". Ðể tạo được sự chú ý, nhằm câu like (lượt yêu thích), câu view (lượt xem), có tác giả cố tình đưa những ngôn từ nhạy cảm, gây tranh cãi vào ca khúc. Ðồng thời, để chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, họ sẵn sàng sáng tác các ca khúc chạy theo trào lưu, xu hướng đang được yêu thích bằng cách chắp ghép những ngôn từ sống sượng. Trong không ít trường hợp, chỉ bằng cách đó mà có nghệ sĩ trẻ sau một đêm đã trở thành nhân vật triệu like trên các trang nghe nhạc trực tuyến, trở nên nổi tiếng và có thể kiếm tiền từ mạng xã hội. Tuy nhiên, chính sự thiếu chắt lọc trong ngôn từ để sáng tạo tác phẩm, nhiều nghệ sĩ trẻ đang tự biến mình thành các thảm họa trong âm nhạc. Thay vì đóng góp các giá trị nghệ thuật đúng nghĩa trong những tác phẩm được công bố rộng rãi, dường như các tác giả này đang nhân danh sáng tạo để gây sự chú ý và nhằm nổi tiếng. Trước tình trạng nêu trên, nhiều nhạc sĩ gạo cội như Dương Thụ, Nguyễn Cường, Trần Tiến,... đã bày tỏ sự lo ngại về việc một bộ phận người sáng tác hiện nay đang bỏ quên vai trò định hướng thẩm mỹ cho khán giả.

Cần khẳng định rằng cái đích của mỗi tác phẩm nghệ thuật cần hướng đến là các giá trị chân - thiện - mỹ. Sự chân thực là điều cần thiết của tác phẩm nghệ thuật, nhưng tuyệt đối không được tầm thường hóa. Người sáng tạo có quyền được thử nghiệm, làm mới lạ, độc đáo các sáng tác của mình; việc sử dụng ngôn ngữ đời thường, bình dân vào tác phẩm cũng là cách để tác phẩm gần gũi hơn với cảm nhận của công chúng. Có điều, cách đưa những ngôn ngữ đó với liều lượng như thế nào cho hay, tạo được hiệu quả về nghệ thuật là điều mà người nghệ sĩ phải cân nhắc và cẩn trọng. Tác phẩm cần phải có sự chắt lọc tinh tế từ ngôn ngữ đời thường, biết lựa chọn những câu từ phù hợp, trên cơ sở tôn trọng văn hóa, thuần phong mỹ tục,... cũng như nhu cầu tiếp nhận của khán giả.

Sự nóng vội, dễ dãi của người nghệ sĩ sẽ không thể cho ra đời những tác phẩm có giá trị, thậm chí đó chính là "tử lộ" để một tác giả, tác phẩm nhanh chóng biến mất khỏi đời sống nghệ thuật. Hơn ai hết, mỗi người sáng tác phải tự ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình sáng tạo. Chỉ những tác phẩm ra đời từ tài năng, tâm huyết, với ý thức không ngừng học hỏi, hướng đến cái hay, cái đẹp mới tìm được chỗ đứng lâu bền trong cộng đồng.

HỘI VŨ (NDĐT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn