Lễ hội diễn ra trang nghiêm và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc

Cập nhật ngày: 29/08/2018 10:25:21

ĐTO - Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh có 117 lễ hội, trong đó có 3 lễ hội cấp tỉnh, 5 lễ hội cấp huyện và 109 lễ hội cấp xã.

Phần lớn các lễ hội chủ yếu là lễ Kỳ Yên tổ chức tại các đình, miếu do chính quyền và nhân dân các địa phương tổ chức nhằm cầu mong 1 năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, kinh tế ngày một khởi sắc.


Các đồng chí nguyên lãnh đạo, lãnh đạo Trung ương và địa phương thắp hương tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc

Đây còn là hoạt động để tưởng nhớ về cội nguồn đồng thời giáo dục con cháu, thế hệ trẻ biết được phong tục tập quán, văn hóa của cha ông, bảo tồn những vốn quý của di sản văn hóa tinh thần dân tộc thông qua các trò chơi dân gian được tổ chức tại các đình, miễu như: chọi gà, thi bắt vịt, kéo co, đấu vật, đi cà kheo, thi nấu cơm... Nhờ sự liên kết cộng đồng mà con người có ý thức đoàn kết, nhớ về cội nguồn, nguồn thu từ lễ cúng tế còn đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội như giúp đỡ học sinh nghèo, xây cầu, làm đường, xây dựng nông thôn mới. 

Một số lễ hội tiêu biểu như: Lễ giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, lễ giỗ Thiên Hộ Dương - Đốc Binh Kiều, lễ giỗ Thượng tướng Trần Văn Năng, lễ hội vía Bà Chúa Xứ tại di tích Gò Tháp. Các lễ hội diễn ra đúng pháp luật, đảm bảo tính trang nghiêm, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và tính đặc trưng của văn hóa phương Nam. Đồng thời thực hiện tốt các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, hàng năm đều xây dựng chương trình, kế hoạch lễ hội, quyết định thành lập Ban Tổ chức và các Tiểu Ban phục vụ; an toàn vệ sinh thực phẩm được đảm bảo.

Công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ được quan tâm và phối hợp thực hiện chặt chẽ từ các ngành, các cấp có liên quan. Việc tuyên truyền lễ hội, kết hợp quảng bá, giới thiệu nội dung giá trị di tích và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội các địa phương thực hiện xuyên suốt trước, trong và sau lễ hội; quản lý và sử dụng thùng công đức, tiền công đức được đảm bảo, thu chi công khai minh bạch, đúng quy định. Chưa phát sinh hồ sơ xử lý các vụ việc phản cảm, vi phạm các quy định của Nhà nước về tổ chức và quản lý lễ hội.

Các lễ kỷ niệm (ngày mất các vị anh hùng dân tộc, người có công với địa phương; ngày thành lập ngành) tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, hiệu quả góp phần giáo dục truyền thống lịch sử của địa phương đối với các thế hệ, nâng cao tinh thần tương thân tương ái, cố kết cộng đồng, môi trường làm việc hiệu quả, thân thiện, năng động và sáng tạo.

Bên canh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tập trung quản lý, kiểm tra và tổ chức thực hiện tốt các lễ hội và hoạt động tiêu biểu, gắn với sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh như: hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân; kỷ niệm ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước 30/4, Quốc khánh 2/9 và các hoạt động kỷ niệm ngày thành lập các ngành trên tinh thần tiết kiệm, an toàn và hiệu quả.

Nét mới của lễ hội ở Đồng Tháp là được tổ chức gắn với hoạt động du lịch thông qua các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao, trò chơi dân gian, góp phần làm cho lễ hội thêm hoành tráng, lôi cuốn, hấp dẫn. Các khu, điểm du lịch như: Khu di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích Xẻo Quít, Khu di tích Gò Tháp, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Làng hoa Sa Đéc... hàng năm tổ chức các hoạt động lễ hội thu hút đông đảo khách tham quan, hành hương, du lịch, nghiên cứu, khám phá.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp cho biết, năm 2017, du lịch Đồng Tháp đón 3,3 triệu lượt khách, tăng 23,19% so với năm 2016. Tổng doanh thu du lịch đạt 650 tỷ đồng, tăng 33,04% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó doanh thu dịch vụ du lịch là 450 tỷ đồng.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn