Nếp văn hóa mới

Cập nhật ngày: 15/06/2015 11:23:35

Khởi đầu là 50 vị cán bộ hưu trí xã Hòa An (nay tách ra lập phường Hòa Thuận, TP.Cao Lãnh) bằng “Lời tâm nguyện”, trong đó có điều: Khi các cụ qua đời, xin đừng ai đi viếng bằng tấm lỵ, tràng hoa, bánh, trái cây, nhang đèn, mà phúng viếng bằng tiền; số tiền đó, nếu gia đình nghèo dùng trang trải chi phí lễ tang, gia đình khá giả hơn hiến cho quỹ từ thiện, nhân đạo để xây cầu, cất nhà tình thương, góp quỹ khuyến học...

Hơn 10 năm qua, từ 50 vị này (đã có hơn 10 vị qua đời), các gia đình đã làm theo lời tâm nguyện đó, hiến tặng cho địa phương số tiền phúng viếng và lan tỏa ra ngoài phạm vi một xã, phường, cả trong tỉnh và ngoài tỉnh, nhiều người hiến tặng tiền phúng viếng làm từ thiện, nhân đạo hàng tỷ đồng. Ở tỉnh ta, các gia đình ông Nguyễn Phán Paul, Nguyễn Thế Hữu, Đoàn Dân Hòa, Lê Quang Vũ, bà Nguyễn Thị Tư (bà Sáu Mậu), bà Nguyễn Thị Nhạn, bà Trần Thị Hòa, ông Nguyễn Thanh Sơn... đã dùng tiền phúng viếng làm việc thiện cả tỷ đồng. Gần đây nhất, gia đình ông Nguyễn Khắc Thận (Chín Hương) nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Đồng Tháp hiến tặng số tiền phúng viếng 500 triệu đồng cho Quỹ khuyến học Nguyễn Sinh Sắc.

Tâm nguyện “đến chết vẫn còn mang lợi ích cho đời” đã thành hiện thực sinh động, thành nếp văn hóa tốt đẹp trong thời đại mới.

Lẽ ra, tang lễ là việc thường bất ngờ diễn ra, khó định trước, gia chủ thường phải mất nhiều thời gian, có khi phải nhiều năm lo phụng dưỡng, chăm sóc người bệnh, hao tốn nhiều tiền thuốc..., nên việc nhận phúng bằng tiền để lo trang trải tang lễ là việc làm cần thiết, hợp tình, hợp đạo lý dân tộc. Ngược lại, gia đình đã dùng tiền đó lo cho xã hội, thật đáng trân trọng và khâm phục, đáng nhân ra.

Từ việc tang nghĩ tới việc cưới. Lễ cưới thường do hai gia đình bàn bạc, tính toán kỹ từ trước, định ngày giờ, đối tượng và số lượng khách mời, địa điểm đãi tiệc, in thiệp mời, cả dự trù chi phí quay phim, chụp hình, mỗi khẩu phần ăn, thức uống...

Bộ Chính trị đã có chỉ thị về việc cưới, việc tang, lễ hội sao cho tiết kiệm, tránh phô trương, không vụ lợi... Thực tế không ai vụ lợi qua việc tang, còn việc cưới có lẽ còn nhiều chuyện phải bàn. Có người cho rằng do là cán bộ có địa vị cao, quan hệ rộng, nên việc cưới phải mời nhiều người (ít năm, bảy trăm thiệp mời, nhiều cả ngàn). Lý lẽ này nghe không xuôi lắm, không lẽ vì cán bộ tỉnh nên phải mời hết cơ quan, ban ngành tỉnh, các huyện, thị, đồng nghiệp các tỉnh bạn lân cận, còn lãnh đạo Trung ương phải mời hết các ban, bộ..., các tỉnh thành và các quốc gia lân cận? Nói tiết kiệm (nhất là của công) chẳng ai tính xem cán bộ các huyện thị, tỉnh bạn đến dự lễ cưới có mấy ai dùng xe riêng, đi xe công cộng? Hiện nay vẫn chưa ai kết luận số lượng khách mời bao nhiêu là vừa, không phô trương, đãi ăn cỡ nào là tiết kiệm và không ai dám công khai số tiền khách mừng để xem “lời hay lỗ”, có vụ lợi hay không?

Nếp sống văn hóa mới ở việc dùng tiền phúng viếng làm từ thiện, làm việc nghĩa tình đã và đang phổ biến. Còn vì sao chưa thể hình thành nếp sống văn hóa mới trong lễ cưới bằng dùng tiền khách mừng vào việc làm từ thiện, nghĩa tình?

Ở Mỹ, tháng 5/2015, đôi bạn trẻ Paisley Mc Donald và Chris Madsen tặng tiền khách mời lễ cưới của mình cho quỹ từ thiện Compassion International để giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Quỹ này thành lập cách đây 5 năm và đến nay có trên 10 ngàn sự đồng ý của giới trẻ có ý trao tặng tiền qua tiệc cưới.

Ở ta, việc cưới của đôi bạn trẻ còn lệ thuộc nhiều vào cha mẹ, nên nếu có, trước hết phải làm chuyển biến nhận thức trong người lớn, tất nhiên có cả tác động đồng tình từ đôi bạn trẻ. Việc làm này còn có ý nghĩa trực tiếp đến việc thực hiện tiết kiệm, không phô trương, không vụ lợi như tinh thần chỉ thị của Bộ Chính trị.

Vạn sự khởi đầu nan, từ một vài người dần thành phổ biến. Tôi nghĩ lãnh đạo Đoàn, Hội Thanh niên cần khởi xướng vào việc hình thành câu lạc bộ hay gì đó trong giới trẻ chưa lập gia đình có “Lời tâm nguyện” sẽ làm việc đó. Mong và tin rằng với truyền thống thấm nhuần đạo lý nghĩa nhân của dân tộc, biết sống vì mọi người, ở tỉnh ta sẽ có nhiều gia đình lấy niềm vui, hạnh phúc của mình trong lễ cưới thành niềm vui của những gia đình nghèo, bệnh hoạn, có điều kiện vượt qua khó khăn, hình thành nếp sống văn hóa mới trong việc cưới.

Ngọc Phú

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn