Nhà thơ Khắc Chu và mối duyên cùng sân khấu

Cập nhật ngày: 20/05/2015 13:44:15

Nhà thơ Khắc Chu còn có bút danh khác là Ngô Triều Dương, sinh năm 1955, tại TP.Cao Lãnh. Trong số những hội viên thuộc chuyên ngành văn học của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (LHVHNT) Đồng Tháp, anh được biết đến là cây bút chắc tay và rất đa tài, có thể viết tốt ở nhiều thể loại.


Nhà thơ Khắc Chu

Đầu tiên phải kể đến là thơ. Thơ Khắc Chu không cầu kì, trau chuốt, như nguồn mạch cảm xúc tự nhiên của một người từng đi từng trải, rồi rút ra những kinh nghiệm sống cho mình. Không chỉ vậy, thơ anh còn mở ra bàng bạc một vùng trời thương nhớ của quê hương. Ở đó, có hương sen, hương lúa Tháp Mười, có vườn quýt hồng trái sai trĩu chiều Long Hậu; có đêm lễ hội xuân giữa lòng TP.Cao Lãnh - nơi yêu thương của tim người theo pháo sáng bay lên. Thành công của anh về thơ có thể kể đến là giải tư cuộc thi “Thơ và vọng cổ về Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh phát động năm 2009, giải nhì không có giải nhất cuộc thi thơ Xuân TP.Cao Lãnh năm 2011, chung khảo cuộc thi “Viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp” của báo Đời sống và Pháp luật năm 2013, nhiều lần đạt giải A, B, C trong các đợt xét hỗ trợ đầu tư về thơ hằng năm của Hội LHVHNT Đồng Tháp...

Với văn xuôi, Khắc Chu cũng đã và đang làm một cuộc dạo chơi đầy ý nghĩa. Anh gọi đấy là cuộc hành trình nhọc nhằn mà thú vị của chữ nghĩa. Những trang bút kí, truyện ngắn mượt mà, đẫm chất thơ ghi lại bao cay đắng phận người, những tấm gương lao động sản xuất và biết bao câu chuyện đáng để nhìn, để nghe và ngẫm nghĩ giữa cuộc sống vốn bề bộn, xô bồ này đã được độc giả đón nhận và nhắc tới bằng tròn vẹn sự thích thú như “Chút khói giữa chiêm bao”, “Cái niêu đất”...

Nếu nói rằng văn học với Khắc Chu là tình yêu thì sân khấu với anh lại chính là mối lương duyên kì ngộ. Anh nói cái máu mê vọng cổ, cải lương có sẵn hồi trẻ, mà mê nhất là soạn giả Viễn Châu với bài “Hàn Mạc Tử”. Từ thích nghe vọng cổ cải lương, anh bắt đầu tập tành sáng tác và mê viết hồi nào chẳng hay, để khi nhận ra thì anh đã có số vốn liếng kha khá để lận lưng, cái vốn liếng mà bất cứ một người viết chuyên nghiệp nào cũng phải thèm thuồng huống là những người viết “tay trái” như anh. Bài vọng cổ đầu tiên mà anh sáng tác cũng là lần đầu tiên tham dự một cuộc thi viết vọng cổ đã mang về cho anh giải khuyến khích, đấy là điệu cổ bản “Trường ca Tôn Đức Thắng” ở cuộc thi viết mừng sinh nhật Bác Tôn năm 2008 do Hội VHNT tỉnh An Giang tổ chức. Giải thưởng này như cú hích với anh để những bài vọng cổ càng về sau càng chất lượng và bộ sưu tập thành công mỗi năm lại đầy đặn hơn. Bút danh Ngô Triều Dương đã liên tục được xướng danh trong nhiều buổi tổng kết trao giải của những cuộc thi vọng cổ khác. Cụ thể là năm 2010, bài hát “Trăng rừng gió biển” của anh đạt giải khuyến khích cuộc thi viết về Cà Mau - 70 năm xây dựng và phát triển, năm 2012 ca khúc “Lửa gốm” lại mang về cho anh giải khuyến khích cuộc thi sáng tác vọng cổ “Bình Dương, miền đất yêu thương”. Quay trở về với quê hương Đồng Tháp, ấn tượng sâu nặng về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, tấm lòng trọng nghĩa thủy chung của nhân dân Hòa An dành cho cụ, Khắc Chu hoàn thành tác phẩm“Đóa Kim Liên trên ngàn sen đất Tháp”, bài vọng cổ này cũng đã đạt giải nhất cuộc thi Ca cổ và bài bản tài tử do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội LHVHNT Đồng Tháp tổ chức năm 2013. Tại Festival đờn ca tài tử Bạc Liêu năm 2014, ca khúc “Hạt muối tình chung” của anh đã xuất sắc được trao giải ba. Và gần đây nhất, anh đạt giải ba cuộc thi sáng tác ca khúc và ca cổ chào mừng 40 năm giải phóng miền Nam của tỉnh Kiên Giang với bài ca cổ “Về Kiên Giang ca tình đất tình người”.

Với cải lương, một thể loại dài hơi của sân khấu thì cái duyên “lần đầu tiên” của anh cũng chưa dừng lại. Vở đầu tay “Gió đổi chiều” của Ngô Triều Dương đã được Hội đồng thẩm định VHNT - Hội LHVHNT Đồng Tháp đánh giá rất cao và quyết định chọn trao giải B không có giải A. Điều đó vừa là một bất ngờ với chính anh và nhiều người khác, lại vừa như ngọn lửa thổi bừng lên nguồn cảm hứng để anh hoàn thiện tiếp vở đang viết mà ở đó phảng phất bóng dáng cuộc đời anh nơi nhân vật của mình.

Nhà thơ Khắc Chu bây giờ không chỉ bén duyên với nghệ thuật cải lương mà bằng bút danh Ngô Triều Dương, anh đã thật sự “cưới” vọng cổ, cải lương mất rồi. Với những ca từ ngọt ngào sâu lắng của mình, chắc chắn anh sẽ còn gặt hái thành công nhiều hơn nữa trong thời gian sắp tới.

Nguyễn Giang San

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn