Tác giả Thanh Nha đem hết tài năng nghệ thuật phục vụ cách mạng

Cập nhật ngày: 05/09/2012 10:34:10

Sinh ra và lớn lên tại ấp Hạ, xã Mỹ Trà, huyện Cao Lãnh, tỉnh SaĐéc (nay là tỉnh Đồng Tháp), tác giả Thanh Nha tên thật là Nguyễn Văn Ba (bút danh Thanh Nha, Trần Ngọc) sinh ngày 20/4/1919, từng là Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Suốt 27 năm tham gia hoạt động cách mạng, với tài năng của mình, tác giả Thanh Nha đã lao động miệt mài, cần cù, sống giản dị, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hết lòng tận tụy phục vụ cách mạng và nhân dân. Tác giả đã để lại cho nền nghệ thuật nói chung, sân khấu nước nhà nói riêng nhiều tác phẩm có giá trị cao được trình diễn trên sân khấu, được phổ biến qua các phương tiện thông tin đại chúng từ thời kháng chiến chống Pháp cho đến chống Mỹ.


Tác giả Thanh Nha

Điểm nổi bật trong sáng tác là tác giả luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, đem hết tài năng nghệ thuật của mình làm cho chủ trương, chính sách của Đảng đến với quần chúng nhân dân; trong hầu hết các tác phẩm dù dài hay ngắn, hình ảnh của những người nông dân, già, trẻ, gái, trai đều được khắc họa, giới thiệu với một thái độ trân trọng, trìu mến. Từ kịch bản đầu tiên viết năm 1952, đến khi mất, Thanh Nha đã dành tất cả tâm lực cho sân khấu cải lương kháng chiến cách mạng.

Toàn bộ tác phẩm của tác giả theo thời gian, gắn với từng thời kỳ của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã góp phần vào việc động viên, ca ngợi tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Kịch bản cải lương Chung sức diệt thù (1952) phản ánh giai đoạn đầu cuộc phản công trên chiến trường, kêu gọi những người lầm đường lạc lối quay về chính nghĩa, chống lại giặc Pháp và tay sai. Kịch bản Thoát vòng đau khổ (1953) giúp quần chúng nhân dân nhận ra sự lợi dụng tôn giáo, giáo phái của giặc Pháp. Hai vở cải lương này đã được Đoàn Văn công Ngũ Yến diễn liên tục ở vùng kháng chiến Đồng Tháp Mười.

Được biết đến là một tác giả cải lương Nam bộ nhưng vì nhiệm vụ cách mạng, Thanh Nha lại viết tác phẩm về đề tài Tây Nguyên. Vở Tiếng sấm Tây Nguyên, ca ngợi tinh thần kiên cường, bất khuất của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên chống lại âm mưu chia rẻ Kinh - Thượng, phá hoại căn cứ kháng chiến của Mỹ và tay sai. Vở diễn được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ đánh giá cao về tư tưởng chủ đề và nội dung nghệ thuật.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân năm 1968, lúc này Thanh Nha đã trở lại miền Nam công tác, trước cảnh nhiều đồng chí, đồng bào bị hy sinh, bị bắt tù đày, một số hoang mang, dao động, tác giả đã dành thời gian viết kịch bản dài Trong lửa đỏ với nội dung ca ngợi khí tiết của người chiến sĩ cách mạng được trui rèn qua thử thách đấu tranh, một lòng một dạ tin tưởng vào sự tất thắng của sự nghiệp giải phóng đất nước. Trong lửa đỏ là kịch bản cải lương duy nhất về cuộc tiến công và nổi dậy, là tâm huyết được ấp ủ từ lâu của Thanh Nha trong những ngày chiến đấu ở miền Nam. Đây cũng là kịch bản cuối cùng trước khi tác giả hy sinh.

Là một nghệ sĩ có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề, có tài năng, được đồng nghiệp và nhân dân yêu mến, không ngại gian nan, thậm chí hy sinh để đem hết tài năng nghệ thuật phục vụ cách mạng, Thanh Nha xứng đáng là một trong những nghệ sĩ xuất sắc được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012.

H.NG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn