Tết Trung thu

Cập nhật ngày: 29/09/2020 10:27:45

Ngoài tết Nguyên đán; tết Hàn thực (3 tháng Ba); tết Thanh minh (tháng Ba); tết Đoan ngọ (5 tháng Năm); các tết: Thượng nguyên (Nguyên tiêu - rằm tháng Giêng) - Trung nguyên (rằm tháng Bảy) - Hạ nguyên (rằm tháng Mười); tết Táo quân (23 tháng Chạp)… và một số ngày tết khác, truyền thống Việt Nam ta còn có tết Trung thu (rằm tháng Tám) chủ yếu là dành riêng cho trẻ con(*). Thế mới biết, việc quan tâm, tôn vinh thế hệ trẻ không phải bây giờ chúng ta mới làm mà đã là công việc hệ trọng, thiêng liêng (có riêng một cái tết, tức một dịp kỷ niệm kiểu như ngày Quốc tế thiếu nhi - 1/6 hay là tháng hành động vì trẻ em…) từ ngàn xưa của ông cha ta. Điều này, thể hiện sinh động và rõ nét một trong những nét đạo lý truyền thống tốt đẹp của người Việt, đó là đã dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất, coi trẻ em là thế hệ tiếp nối, góp phần quan trọng và chủ yếu làm cho đất nước trường tồn, phát triển như câu thành ngữ giàu hình ảnh: tre già măng mọc.


Ảnh minh họa

Trước hết, khi nói đến tết Trung thu, ít nhất phải nói đến vầng trăng rằm được coi là sáng nhất trong năm và thao tác bày cỗ, trông trăng, phá cỗ… dưới trăng (nên còn gọi là tết Trông trăng) cũng như phải nói đến đèn và lễ rước đèn, nhất là đèn ông sao (nên cũng gọi là tết Hoa đăng). Không có trăng và đèn, coi như tết Trung thu mất đi một phần vẻ đẹp thiêng liêng của nó.

Nói về trăngđèn trong tết Trung thu, xin có đôi điều:

Trăng là do thiên nhiên ban tặng. Thiên nhiên thương nhân gian, thương tụi nhỏ thì hào phóng ban cho một đêm rằm tháng Tám với vầng trăng vành vạnh sáng để tụi nhỏ bày cỗ, trông trăng, phá cỗ, rước đèn và vui chơi… dưới ánh sáng thanh dịu, êm ả, thiêng liêng của nó. Nhưng thời tiết bây giờ rất ngặt, nhất là ở phương Nam, đêm Trung thu không phải lúc nào cũng có trăng, vì bị mây dày che khuất. Có năm lại mưa bão nữa. Cho nên, những tết Trung thu như vậy, trăng rằm tháng Tám chỉ hiện ra trong tưởng tượng và cái đẹp của ngày tết đặc trưng này mất đi nhiều ý vị. 

Vả chăng, để khắc phục và tiết chế điều này, trong kỷ nguyên phát triển như vũ bão của khoa học - kỹ thuật và công nghệ - thông tin, người lớn chúng ta thừa biết cách tạo ra vầng trăng nhân tạo, giúp tụi nhỏ có cảm giác như đang rước đèn, bày cỗ, phá cỗ, vui chơi… dưới trăng thật. Vì chỉ có như vậy, tết Trung thu mới thực sự có ý nghĩa với các em. Nếu không, khi vắng trăng, tết Trung thu cũng chỉ còn là một cái tết ít nhiều khiếm khuyết, để lại ấn tượng không toàn bích trong lòng tụi nhỏ.

Đèn là do con người (người lớntụi nhỏ) làm ra. Và vì thế, dù trời không có trăng thì tết Trung thu bao giờ cũng có đèn. Tuy nhiên, nói về đèn trong tết Trung thu, không phải không có điều để băn khoăn. Tết là một lễ hội truyền thống, vì thế mọi biểu hiện của nó, càng gắn với truyến thống, với văn hóa dân gian thì càng có ý nghĩa. Hiện nay, rất ít người, ít nơi làm đèn Trung thu, nhất là đèn ông sao bằng hình thức thủ công mà chủ yếu là dùng đèn sản xuất theo lối công nghiệp (trong đó, phần nhiều là các loại đèn nhập từ nước ngoài). Cái tiện, nhanh của thời đại công nghiệp có ưu thế của nó, nhưng với các sự kiện mang tính truyền thống, dân gian, không phải lúc nào, sự xuất hiện của công nghiệp cũng mang lại ý nghĩa thiêng liêng, thuần khiết nhất. 

Thiết nghĩ, người lớn (và qua người lớn, tổ chức cho tụi nhỏ) cần khôi phục việc làm đèn, nhất là đèn ông sao bằng tre, giấy… mà ông cha chúng ta đã làm từ xa xưa. Các tổ chức nhà nước, đoàn thể, cộng đồng…, vả chăng, nên tổ chức cuộc thi làm đèn Trung thu (ít nhất là cho tụi nhỏ) mà bài học thực tiễn về truyền thống - tâm linh và ý nghĩa giáo dục của nó chắc chắn sẽ không nhỏ chút nào. Và một cái tết Trung thu có những hoạt động như vậy, chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả và động lực to lớn đối với sự phát triển nhân cách và trí tuệ của lớp trẻ trong thời đại 4.0.

Bày cỗ, trông trăng, phá cỗ, rước đèn… dưới trăng là những thao tác, công đoạn không thể thiếu của một tết Trung thu. Thiếu những thứ đó, tết của các em sẽ mất đi nhiều lý thú và ý nghĩa. Làm sao để có một cái tết Trung thu  đúng nghĩa là trách nhiệm thiêng liêng và cao cả của người lớn chúng ta!

Thứ nữa, vì tết Trung thu chủ yếu dành cho trẻ em, cho nên, nhân vật trung tâm, nhân vật chính của tết này phải là thiếu nhi các độ tuổi, thuộc mọi thành phần, mọi ngành, mọi giới. Không có thiếu nhi, ắt không có một cái tết Trung thu đúng nghĩa. Nói về trẻ con trong tết Trung thu, cũng xin có vài lời sau:

Hàng năm, đại đa số trẻ em ở thành thị và vùng nông thôn phát triển luôn được tổ chức đón tết Trung thu, nhất là được tổ chức ở các trường mầm non,  tiểu học, trung học cơ sở. Đương nhiên, việc tổ chức này, có nơi làm rất tốt, đàng hoàng (đủ các bước trong kịch bản của tết), nhưng cũng có nơi làm chiếu lệ, qua loa (tập trung các em đến, nói năm điều ba chuyện, cho các em ăn chút bánh rồi giải tán hoặc có nơi chỉ gửi quà, bánh qua phụ huynh cho các em!). Còn khá nhiều trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, gần như chỉ biết tết Trung thu một cách tự phát, tự đón tết tại nhà nếu còn nhớ ngày, trong điều kiện gần như không có gì. Và tất nhiên, ấn tượng về một cái tết Trung thu đẹp, hòa bình của các em cũng rất mờ nhạt, thậm chí không có.

Xóa cách bức giữa các vùng miền, theo tôi, trước hết, khi kinh tế đất nước còn khó khăn, đang từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo thì một trong những điều có thể làm ngay, kết quả thu được nhanh hơn, đó là xóa ranh giới về tiếp nhận và hưởng thụ văn hóa. Trong điều kiện nghèo khó, thiếu thốn mọi bề, vả chăng, người lớn vẫn có thể tổ chức cho tụi nhỏ một cái tết Trung thu coi được, chưa bằng vùng thành thị, vùng thuận lợi thì chí ít cũng là một cái tết tương đối đầy đủ các khâu như bày cỗ, trông trăng, phá cỗ, rước đèn… Làm được như vậy, tôi tin, tụi nhỏ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn sẽ bớt đi rất nhiều mặc cảm và tự tin vươn lên, sánh kịp với trẻ em ở những vùng  miền khác.

Tết Trung thu chỉ là một cái tết trong nhiều cái tết mà người Việt chúng ta đón trong năm âm lịch, nhưng lại là một cái tết đặc biệt vì nó chủ yếu dành riêng cho trẻ em. Lo cho thế hệ măng non của đất nước một cái tết đàng hoàng chính là một trong những trách nhiệm trực tiếp và thường xuyên của cả xã hội, của cộng đồng, của người lớn... Coi thường, khinh suất, lơ là điều này thì dù có dùng nhiều mỹ ngữ: tất cả vì trẻ em; hãy hành động vì trẻ em… cũng chỉ là những ngoa ngôn, lý luận suông.

Ông ta cha từ ngàn đời đãrất coi trọng trẻ nhỏ, bày tết Trung thu cho trẻ nhỏ lớn đến như vậy, chẳng lẽ chúng ta bây giờ không học và làm theo cho bằng hay chí ít là một phần của người xưa?


(*) Ở bài này, xin không bàn về nguồn gốc tết Trung thu ở Việt Nam (sẽ nói trong một dịp khác), bời cho đến nay, có nhiều thuyết khác nhau nói về vấn đề này mà quan điểm nào cũng ít nhiều có cơ sở của nó.

TAO ĐÀN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn