Thân phận người quê trong truyện ngắn của Thanh Bình

Cập nhật ngày: 21/08/2020 10:38:46

Đây là tập truyện ngắn đầu tay của Thanh Bình - một trong những cây bút văn xuôi chủ lực của Đồng Tháp khoảng 15 năm trở lại đây, kể từ ngày chị được kết nạp vào Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp (năm 2006). Trong đội ngũ những người sáng tác truyện ngắn trẻ và sung sức của miền Đất Sen hồng những năm gần đây như: Hồ Văn, Nguyễn Lệ Ba, Nguyễn Thị Kim Tuyến, Lê Ngọc Minh Hoàng, Kim Thắm..., Thanh Bình là một cây bút có giọng điệu riêng, rất khó lẫn với người khác và tôi mạo muội gọi đó là chất văn xuôi thân phận - rộng là thân phận một vùng đất và hẹp là thân phận một con người. Mà vùng đất, con người trong truyện ngắn Thanh Bình dường như xoáy vào mỗi một địa chỉ: miền đất lở - nơi chôn rau cắt rốn với những người thân yêu của chị đã và đang sống.

Trong bài giới thiệu ngắn này, chỉ xin đề cập đến một khía cạnh hẹp trong dòng chảy văn xuôi thân phận của Thanh Bình, đó là thân phận người quê.

Quả thật, 21 truyện ngắn trong Miền đất lở của Thanh Bình, chủ yếu là viết về người quê, nhất là người quê nghèo, ở đó thân phận khốn khó, túng bấn, bí bách, bất an của họ được tập trung đặc tả với tần suất dày đặc. Thảng hoặc vài ba truyện mà bối cảnh được chọn có vẻ là chốn phố thị (Người gật; Lời nguyện cầu từ dòng sông; Niềm ước muốn...) thì nhân vật trong đó, rốt cục, cũng ra đi từ quê, vùng thoát từ quê, và cũng rặt một chất quê.

Ám ảnh người đọc đến độ nhức nhối chính là hình ảnh một gia đình nông dân nghèo nơi miền đất lở gồm bà mẹ già và mấy đứa con: anh hai, nhân vật tôi và hai đứa em hay chỉ đứa em út cùng với một người cha hoặc là nát rượu hoặc là sống bê tha mà bị bệnh chết sớm. Cái gia đình này xuất hiện trong khá nhiều truyện ngắn của Thanh Bình như là một biểu tượng điển hình của sự chuyển động quằn quại giữa dòng xoáy của nghèo túng, nhàm chán, khổ nhục nơi miền quê chỉ biết bám vào mấy công ruộng rẫy, phập phù bởi thiên tai rình rập. Nếu trong Thơ ấu bên sông, cái bất an dẫn đến tan vỡ của gia đình ấy thường trực mỗi giây mỗi phút, qua những trận cãi vã triền miên của ba má, mà nguyên nhân bởi chính sự nghèo khó, cùng bách, khiến người đàn ông - chủ gia đình buông xuôi, biến chất, làm cho gia đình thay vì là tổ ấm hạnh phúc lại trở thành nơi luôn gặp ác mộng, nó khiến từng thành viên trong đó chai nhàm đến độ như vô tri, vô giác: Và rốt lại, ông xuôi tay nhắm mắt mà chẳng có được giọt nước mắt xót thương nào của đám con thì trong Ngày mai con đi, cái bi kịch túng bách, cùng quẫn của gia đình ấy diễn ra có vẻ công bằng hơn: ba thì nhậu nhẹt bê tha, biến nhà mình thường ngày thành cái phủ thần tiên (tên một truyện ngắn khác trong tập), má thì vì lo ăn, lo con bị bệnh nhưng không có lấy một xu nên nợ nần chồng chất, sống thấp thỏm, lo âu, suốt ngày trốn nợ, khiến nhân vật tôi khi nghĩ về những nỗi đau khổ cùng cực mà mình đang chịu đựng đã phải thốt lên: Có lẽ người khổ nhất là không muốn có một ước mơ nào nữa.

Thân phận những người cha, người mẹ (cả những người cha, người mẹ trẻ) cùng những đứa con nơi miền đất lở trong truyện ngắn của Thanh Bình, không đến mức bi đát, thảm hại như trong truyện ngắn viết về nông thôn của Nam Cao, Nguyễn Công Hoan... thế kỷ trước, nhưng lạ, nó có sức khái quát và lay động bởi một hiện thực hiện hữu, sinh động nơi những miền quê còn quá nhiều gian nan, vất vả, nghèo khó của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ta gặp trong truyện ngắn của Thanh Bình, trên bối cảnh những khoảnh ruộng, mảnh vườn, đám rẫy ngày một thu hẹp bởi đất lở hoặc bị đem cầm cố hay bán đổ như một giải pháp sinh tồn duy nhất, thường trực hình ảnh những người nông phu (già và trẻ) nát rượu bởi cùng quẫn; hình ảnh những bà mẹ đau khổ, cam chịu, chạy vạy lo từng miếng ăn cho gia đình; hình ảnh những thiếu nữ dậy thì giàu khát vọng vươn xa nhưng luôn tự ti, mặc cảm bởi gốc gác nghèo khó của mình; hình ảnh những đứa em út hoặc hư thân phá gia chi tử hoặc ốm oặt ốm oẹo, luôn là gánh nặng của gia đình...

Điều đáng nói, trong cái gam màu buồn tối là chủ yếu ấy, truyện ngắn của Thanh Bình rất ít khi gieo rắc một không khí thảm hại, bi lụy, tan vữa mà gần như ngược lại, tác giả bao giờ cũng làm ánh lên đâu đó trong tác phẩm, nhất là ở phần kết, những quầng sáng hy vọng, dù đôi khi rất mỏng mảnh, yếu ớt.

 Cái dòng sông nơi miền đất lở ấy mãi mãi vẫn là dòng sông hoa tím. Dù ở đó gia đình đã trải qua những năm tháng không thể cơ cực hơn thì rốt cục, khi trở về, cô con gái vẫn cảm nhận một cách rõ ràng và tinh tế: Nó rất đẹp, cái đẹp của sự đấu tranh tơi tả với sóng dập gió vùi. Tôi vui vẻ đứng dậy, cười lớn, cất giọng kêu lũ cháu, chúng ríu rít chạy lại như đàn chim non. Tôi rủ chúng nhảy ùm xuống sông, ngửa mặt thả tàu như thuở nhỏ. Dòng nước mát lạnh vuốt ve làn da, thấm vào từng thớ thịt, đẩy lui những bức bối của ngày hè nắng lửa.

Cái kết trong Miền đất lở cũng vậy, sáng long lanh: Bà quay lại, ôm hai đứa cháu. Chùi nước mắt vào vạt áo học trò của tụi nó. Nghe lòng vơi bớt tủi buồn. Bà ngước nhìn sông, mong cầu mênh mông ban cho một góc bình yên. Hai đứa nhỏ vòng tay ôm nội, khẽ lau mắt bà bằng đôi tay nhỏ xíu. Nhìn lên, bà bắt gặp ánh mắt trong veo của các cháu, long lanh trong ánh hoàng hôn.

Và có lẽ, người đọc nhận ra phẩm chất nghệ thuật này rõ nhất trong truyện ngắn như là một tuyên ngôn của Thanh Bình: Ngày mai con đi - truyện ngắn đạt giải Nhì Cuộc thi truyện ngắn khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ III - năm 2008.

Các cây bút lý luận - phê bình chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề để canh tác trên Miền đất lở của Thanh Bình.

THAI SẮC

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn