Thêm góc nhìn về giờ phút đặc biệt

Cập nhật ngày: 01/05/2015 04:24:15

Cuốn sách "30/4/75 - Sài Gòn ngày ấy" do NXB Thế giới và Alphabooks ấn hành đúng dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Điều đặc biệt tác giả của cuốn sách là một gia đình, trong đó người cha là kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái (nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn: 1963-1964), một trong những người lãnh đạo sinh viên hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh đô thị miền Nam từ 1963-1975. Ông cũng là người chứng kiến giờ phút lịch sử ngày 30-4-1975, cùng hát vang ca khúc "Nối vòng tay lớn" ngay tại Đài Phát thanh Sài Gòn... Dịp này, phóng viên có cuộc trò chuyện với KTS Nguyễn Hữu Thái. 

- Đây có lẽ là cuốn sách độc đáo trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước. Ý tưởng về một cuộc đối thoại giữa các thế hệ ngay trong gia đình về sự kiện đặc biệt này của dân tộc đã đến như thế nào, thưa ông?

- Ý tưởng này do chính các con tôi thuộc thế hệ 7x đề xuất. Do nhìn thấy lâu nay sách báo, giáo trình về 30-4-1975 quá khô khan khi nói về một sự kiện lớn của dân tộc, nên các cháu nhất định phải tiếp cận vấn đề dưới một góc nhìn khác, "đời thường" và gần gũi hơn. Nội dung chính của sách là cuộc đối thoại, gồm 40 câu hỏi và trả lời do các cháu đặt cho tôi và bà xã Tuyết Hoa.

- Có thể thấy rõ là có rất nhiều câu chuyện gần gũi, sống động tái hiện giờ phút đặc biệt của lịch sử dân tộc. Nhưng ai là người chấp bút chính cho tác phẩm này? Và ông hy vọng cuốn sách này sẽ mang đến điều gì cho bạn đọc?

- Gần như toàn thể các thành viên gia đình tôi đều tham gia, nhưng đóng góp nhiều nhất cho việc hình thành sách là con gái Thiên Nga của chúng tôi. Chúng tôi chỉ mong muốn mang đến cho mọi người một câu chuyện dễ hiểu, gần gũi qua rất nhiều sự kiện, hình ảnh thời 1970-1975 và các nhân vật liên quan vào ngày 30-4 năm ấy mà chúng tôi biết được.

- Trong cuộc đối thoại với các con, có điều gì nơi thế hệ trẻ khiến ông bà cảm thấy bất ngờ hoặc ấn tượng?

- Các cháu thế hệ 7x, 8x là con trai Nguyễn Hữu Thái Hòa và con gái Nguyễn Hữu Thiên Nga của chúng tôi đã đặt thẳng cho ba mẹ chúng nhiều vấn đề gai góc, như về bà con ở cả hai phía trong cuộc chiến, không né tránh, giấu giếm. Và ấn tượng nhất là giới trẻ mong muốn nhìn thấy vấn đề như "hòa hợp, hòa giải dân tộc" phải được tiếp cận một cách tích cực hơn - một vấn đề lâu nay giới lớn tuổi chúng tôi thường dè dặt, lấn cấn khi nói ra…

- Ông đã có mặt trong giây phút lịch sử đặc biệt của dân tộc, cảm xúc khi đó của ông như thế nào? Có điều gì ông còn chưa kịp chia sẻ trong tác phẩm này?

- Khi đó, chúng tôi thực sự xúc động khi nhìn thấy đất nước đã hòa bình, và xúc động nhất là cảnh tượng anh em Nam - Bắc sum họp một nhà sau cuộc chiến khốc liệt kéo dài 30 năm. Rõ ràng từ ngày 30-4-1975 đó chúng ta đã có thể khởi đầu cho một tiến trình hòa giải tích cực. Một cuốn sách nhỏ về sự kiện 30-4-1975 không thể đặt ra quá nhiều vấn đề. Tuy vậy, bản thân tôi vẫn mong muốn được nói nhiều hơn về phương cách làm sao để giữa người Việt tuy có khác chính kiến nhưng đoàn kết được với nhau lại để tạo sức mạnh Việt bước vào giai đoạn mới.

- Đến nay sau 40 năm ngày đất nước thống nhất, cảm xúc của ông về đất nước có gì mới?

- Rõ ràng là Việt Nam đã xác định được vị thế độc lập, tự chủ trên thế giới. Bản thân khi tôi ra nước ngoài đã không còn thấy thua kém ai. Nhưng phải chăng vấn đề tụt hậu về kinh tế vẫn còn là một thử thách khác mà chúng tôi và các thế hệ tiếp nối phải ý thức và tìm cách vượt qua. Nói như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lớp trẻ ngày nay phải ý thức được những tụt hậu đó và nỗ lực thực hiện cho được một "Điện Biên Phủ kinh tế mới" vậy.

- Chân thành cảm ơn ông!

Thi Thi (HNM)

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn