Vang mãi những tiến đờn, lời ca
Cập nhật ngày: 22/01/2020 04:53:33
ĐTO - Đờn ca tài tử (ĐCTT) trở thành bộ môn nghệ thuật phục vụ đời sống tinh thần của người dân Nam bộ nói chung và Đồng Tháp nói riêng. Cùng với sự phát triển của xã hội, xuất hiện nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, nhưng nghệ thuật ĐCTT trong tỉnh vẫn được gìn giữ và gắn liền với đời sống người dân, đó lá nhờ những con người đam mê ĐCTT đã nổ lực gắn bó và truyền nghề cho thế hệ sau.
Theo Thạc sĩ, Nhạc sĩ Trần Tấn Lực – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) tỉnh, phong trào ĐCTT của tỉnh trong những năm qua có bước khởi sắc. Toàn tỉnh có trên 250 Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT, với gần 3.000 thành viên tham gia. Các huyện Lai Vung, Châu Thành, Thanh Bình,... phát triển khá tốt phong trào ĐCTT. Nhiều tài tử không chuyên nghiệp nhưng đã đạt được các giải thưởng tại các hội thi, liên hoan ĐCTT cấp tỉnh và khu vực. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này ở các địa phương hiện nay còn gặp một số khó khăn do ảnh hưởng của nền âm nhạc hiện đại, ĐCTT dần bị lai phong cách cải lương không còn đúng bản chất; lực lượng sáng tác các bài bản tài tử mới còn khan hiếm; lớp trẻ kế thừa còn ít so với nhu cầu.
Từ năm 2013 đến nay, nhằm khơi dậy và phát triển phong trào ĐCTT trong tỉnh, Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh kết hợp các xã, phường, thị trấn nỗ lực duy trì hoạt động các CLB ĐCTT. Đây là nơi tập hợp, gắn kết các tài tử có niềm đam mê ca hát để họ được giao lưu, sinh hoạt. Sau những giờ lao động mệt nhọc, những người đam mê ĐCTT lại quây quần bên nhau tham gia sinh hoạt CLB ĐCTT. Ngoài những người đam mê ĐCTT còn có những người yêu thích ca hát cũng tham gia. Người đờn, người ca, những tiếng đờn, lời ca hòa quyện cùng nhau dạt dào cảm xúc không kém gì nghệ sĩ chuyên nghiệp. Bằng lời ca, tiếng đờn, họ đã giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau tiến bộ. Không chỉ là sân chơi sinh hoạt thỏa mãn niềm vui ca hát, đến với CLB ĐCTT, người dân còn được chia sẻ niềm vui, công việc gia đình, chuyện làng, chuyện xóm,... để có thêm niềm vui trong cuộc sống.
Thành viên Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Tân Dương, huyện Lai Vung luyện tập để nâng cao tay nghề
Qua nhiều năm đi vào hoạt động, các CLB ngày càng thu hút nhiều người dân tham gia, CLB trở thành nơi sinh hoạt, giải trí tinh thần quen thuộc và ĐCTT cũng gắn liền với đời sống của người dân vùng nông thôn. Ngày nay, dù có nhiều loại nhạc khác nhau như nhạc trữ tình, nhạc trẻ nhưng người dân vẫn yêu thích ĐCTT và ĐCTT thường có mặt trong các dịp đám cưới, đám giỗ, lễ, Tết,... Ngoài ra, qua hoạt động của CLB ĐCTT còn tạo điều kiện để những người đam mê ĐCTT được gắn bó với nghề và tiếp tục đem niềm đam mê truyền nghề lại cho thế hệ sau, góp phần duy trì phong trào ĐCTT ở địa phương. Chú Nguyễn Hữu Phúc – Chủ nhiệm CLB ĐCTT xã Tân Dương cho biết: “CLB giúp những người yêu tài tử như tôi thỏa mãn sở thích ca hát, tiếp tục lan tỏa tình yêu ĐCTT đến mọi người”. Còn với cô Nguyễn Thị Bé - thành viên CLB ĐCTT xã Tân Dương: “Nhờ sinh hoạt CLB ĐCTT mà tôi được tiếp tục gắn bó với niềm đam mê ca hát. Với tình yêu ĐCTT có từ trong tim, tôi đã truyền nghề lại cho con trai mình và sẽ tiếp tục truyền nghề cho con, cháu để gìn giữ nghề”.
Nhân viên Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh) bơi xuồng hát tài tử phục vụ khách du lịch
Để phong trào ĐCTT phát triển mạnh hơn, Trung tâm VHNT tỉnh quan tâm đào tạo nguồn nhân lực kế thừa. Từ năm 2013 đến nay, được sự hỗ trợ của Trung tâm Thực hành và Truyền dạy ĐCTT Xuân Tình (TP.Hồ Chí Minh) có hơn 300 tài tử trong tỉnh được truyền dạy các kỹ năng cơ bản và nâng cao về đờn, ca. Lực lượng này hiện đang là hạt nhân của phong trào ĐCTT ở địa phương và họ đang tích cực truyền nghề cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, Trung tâm VHNT tỉnh còn tổ chức các hội thi, liên hoan không gian ĐCTT hàng năm để các tài tử trong tỉnh được giao lưu, thể hiện tài năng, đồng thời phát huy, tôn tạo giá trị của bộ môn nghệ thuật ĐCTT.
Định hướng phát triển phong trào ĐCTT trong thời gian tới, Thạc sĩ, Nhạc sĩ Trần Tấn Lực cho biết: “Năm 2020, Trung tâm VHNT tỉnh tiếp tục tổ chức tập huấn để có lực lượng trẻ kế thừa, đặc biệt chú trọng tuyển chọn các tài tử giỏi, có tâm huyết với nghề đào tạo trở thành hướng dẫn viên về truyền nghề lại cho các tài tử ở địa phương; củng cố, duy trì hoạt động các CLB ĐCTT; thường xuyên tổ chức các hội thi ĐCTT để tạo cơ hội cho các tài tử nâng cao tay nghề;...”.
Với niềm đam mê ca hát của các tài tử cùng với sự quan tâm của tỉnh trong việc bảo tồn nghệ thuật ĐCTT, tin rằng phong trào ĐCTT của tỉnh sẽ sống mãi với thời gian, để mỗi mùa xuân về những tiếng đờn, lời ca sẽ vang mãi và mang đến niềm vui tinh thần cho mọi nhà.
Nghệ thuật ĐCTT hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ thứ 19. ĐCTT là nghệ thuật của đờn và ca do người dân Nam bộ sáng tác phục vụ giải trí tinh thần sau những giờ lao động vất vả. Từng lời ca, tiếng đờn là những nỗi niềm tâm sự vui buồn về thân phận, cuộc đời con người, cùng với đặc trưng mộc mạc, chân phương nên nghệ thuật ĐCTT dễ đi vào lòng người và được nhiều người ưa thích. Đến năm 2013, ĐCTT được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
|
M.X