Vàng bông điên điển

Cập nhật ngày: 31/10/2016 16:11:10

Mùa nước lên, đồng ruộng quê mình lại trổ rực vàng bông điên điển. Dọc theo những con đường nông thôn, trải dài theo mỗi thửa ruộng, bờ kênh, con rạch... đi đến đâu cũng gặp những hàng cây điển điển lao xao trong gió, bông vàng khoe sắc cứ ánh lên một màu chân quê thân thuộc.

Là loài cây hoang dại, điên điển vốn dễ trồng, chỉ cần một đoạn thân ngắn cắm xuống bờ mương, chân ruộng hay bất kỳ một chỗ nào đất trống có ngập ươn ướt nước, thì chỉ sau thời gian ngắn nó đã đâm chồi thành cây mới xanh tốt. Vì vậy, ở thôn quê, nhà nào cũng có một bờ điên điển xanh um sau hè, cặp ven ao cá hay chạy dọc theo đầu bờ ruộng. Là loài cây gắn liền với đồng nước, cho nên chỉ đến mùa nước lên điên điển mới trổ bông. Đó là thời kỳ sung mãn và đẹp đẽ nhất của đời cây, những bờ điên điển kiêu hãnh đứng ưỡn mình trong gió, khoe ra những chùm bông lưa thưa nhưng ngời ngời sắc vàng lung linh trong nắng sớm.

Bông điên điển nho nhỏ, cánh hoa màu vàng hình con dụ mỏng tang. Có lẽ để chở che và bảo bọc cho những cánh hoa mong manh giữa đồng không lộng gió, mà cái đài hoa màu xanh được cấu tạo vững chắc phía dưới luôn ôm khít lấy những cánh hoa vàng mơ tơ lụa, làm thành một nét riêng độc đáo của loài hoa này. Hoa nở ra chỉ có vài chiếc cánh và những sợi nhụy nhỏ. Mỗi một nụ hoa điên điển nếu đứng riêng lẽ một mình thì chỉ là một đốm vàng nhỏ nhoi lọt thỏm giữa màu xanh trùng trùng của lá, chẳng có nét gì nổi bật khơi gợi cho người ta chú ý. Nhưng cái lý thú của loài cây này là tuy hoa nở lưa thưa nhưng lại có rất nhiều hoa trên thân cây, mỗi cành, mỗi mắt lá, mỗi đoạn thân, mỗi ngọn chồi đều rộ nở ra vô số là hoa. Người dân quê cứ quen miệng gọi cả cái tập hợp đông đảo hoa vàng rực ấy là bông điên điển.

Ngoài việc tô điểm làm đẹp cho cảnh làng quê trong mùa nước nổi, bông điển điển từ bao đời còn được sử dụng làm những món ăn dân dã trong bữa cơm gia đình. Mùa nước lên, bữa ăn nào không có bông điển điển thấy như thiếu thiếu. Ba chống xuồng ra ruộng hái một hồi cả rổ. Má cặm cụi ngồi lặt bỏ cọng dai, rồi chế biến ra những món ưa thích cho cả nhà từ bông điên điển. Canh chua cá linh bông điên điển, gỏi bông điên điển bóp dấm, bông điên điển xào tép, bông điên điển làm dưa chua, bông điên điển làm nhân bánh xèo, hay bông điên điển và bông súng làm món rau chấm mắm kho không gì thú vị bằng... Bây giờ, bông điên điển ngày càng trở thành món ăn được ưa thích, không chỉ đối với người ở quê mà kể cả dân thành thị, bởi nó được xem là một loại rau “sạch” mà lại ngon, bổ và rẻ.

Hái bông điên điển để bán cũng là một việc làm lúc nông nhàn của những người dân miệt ruộng xứ mình trong mùa nước nổi. Cứ chiều chiều, cặp theo con rạch hun hút dài theo đầu bờ ruộng, lại thấy hình ảnh quen thuộc của những chiếc áo bà ba, nón lá, mấy chị, mấy dì chống xuồng hái bông điên điển. Không có gì vội vã, thao tác khoan thai nhẹ nhàng của những người phụ nữ cứ từ tốn, ân cần, đứng trên xuồng vói tay tuốt nhẹ từng chùm bông cho vào chiếc rổ tre. Vừa hái vừa dưỡng cây, bởi thân cây điên điển vốn ốm tong dễ gãy ngã, mà lại trổ bông liên tục, một cây có thể cho bông để hái đều đặn mỗi ngày cho đến hết mùa nước. Hái để bán nhưng động tác cẩn trọng như là hái để ăn, sáng hôm sau đem ra chợ, bông điên điển vẫn còn tươi mới, không bị dập úng, người mua rất vừa ý. Rồi những buổi sáng hay trưa chiều, thỉnh thoảng trên con lộ nông thôn, ta lại gặp bày ra ngay bên ven đường những rổ bông điển điển vàng rực nhìn mê cả mắt. Những rổ rau “nho nhỏ” ấy, mấy chị phụ nữ nông thôn hiền hậu, nửa bán nửa cho, tươi cười nói: Bờ điên điển mé mương nhà trổ bông nhiều quá, ăn không hết, hái vô bán rẻ cho bà con!

Buổi chiều, trên đường đi học về, tưởng tượng ra mùi thơm nức mũi của nồi canh chua cá lóc bông điên điển má nấu, bước chân của học trò vùng quê như phấn chấn hơn lên, chỉ mong mau đến nhà để thưởng thức tài nội trợ của má, mà trong đó có ướp đẫm hương vị của quê nhà, của tình thương, gắn liền với những sản vật bình dị thân quen của quê hương xứ sở.

Mùa vàng bông điên điển quê tôi ôi sao mà đẹp, sao mà mến thương và dịu dàng đến vậy. Những bờ điên điển ruộm vàng lao xao ong bướm cứ giống như những bức tranh vẽ, làm thành một nét đặc thù không lẫn được của làng quê trong mùa nước nổi. Bông điên điển mộc mạc một sắc vàng như người con gái quê mùa không biết trau chuốt, mà vẫn ánh lên một vẻ kiều diễm lấp lánh dưới làn nước mênh mông. Ai đó đã gọi bông điên điển quê tôi là những nàng “hoa khôi của đồng nước”, danh hiệu đó xứng đáng lắm chứ sao không?

Ngọc Điệp

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn