“Cô Tư Công đoàn”
Cập nhật ngày: 12/04/2018 08:29:32
“Không phải đợi đến lúc gom 100 triệu đồng hỗ trợ địa phương rải đá cấp phối 1,2km lộ nông thôn ấp Hòa Dân, mà lâu nay chúng tôi luôn xem “Cô Tư Công đoàn” như niềm tự hào về đóng góp an sinh xã hội của người cao tuổi sống có ích, sống nêu gương sáng” - câu nói của Chủ tịch UBND xã Nhị Mỹ (huyện Cao Lãnh) Nguyễn Chí Công - không chỉ khiến phóng viên Công đoàn (CĐ) trong tôi “thơm lây”, mà qua đó còn gợi mở cho chúng ta bao điều về truyền thống cống hiến của người cán bộ trong tổ chức tiên phong của sự nghiệp cách mạng, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước...
Cô Nguyễn Thị Châu mà nhiều người hay gọi là “Cô Tư Công đoàn”
Làm đường kiểu... Công đoàn
“Đường quê hơi loanh quanh, nhưng vô xã Nhị Mỹ, hỏi nhà “Cô tư CĐ” là sẽ được chỉ dẫn...” - đúng như lời anh Huỳnh Ngọc Trước - Trưởng Ban Chính sách & Pháp luật Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Đồng Tháp - tôi dễ dàng tìm ra nhà “Cô Tư CĐ” ngay câu hỏi đầu tiên. Dường như với người dân Nhị Mỹ, ai cũng biết và nhiệt tình với cựu Trưởng ban Nữ công LĐLĐ Đồng Tháp. Đó là căn nhà gỗ lợp ngói bên bờ rạch Xẻo Sình hiền hòa. Năm nay đã 77 tuổi, nhưng cô Tư vẫn tự tay làm vườn, vì 4 người con của cô đang làm việc ở TP.HCM. Thấy có khách, cô thuận tay hái mấy quả “cây nhà lá vườn” vô đãi. Và câu chuyện diễn ra thật ấm áp, thân tình hơn khi anh Nguyễn Tấn Lộc - Chủ tịch LĐLĐ huyện Cao Lãnh - đến để hỗ trợ nhà báo tác nghiệp. Cô tên thật là Nguyễn Thị Châu, nhưng lâu nay nhiều người vẫn quen gọi là “Cô Tư CĐ” bởi không chỉ vì cô từng công tác CĐ, hay luôn tự hào mình là người của CĐ, mà còn bởi hành động, việc làm cũng rất... CĐ. Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Mỹ - Lê Cẩm Bình - nhớ lại. “Hôm cô đến thông báo có nguyện vọng đóng góp 100 triệu đồng để làm đường nông thôn ấp Hòa Dân, chúng tôi mừng lắm. Nhưng thấy cô đã gần 80 tuổi mà số tiền quá lớn... nên sau đó lãnh đạo xã cử tôi trực tiếp đến nhà thăm dò... Nhưng dường như đọc được điều này, vừa gặp mặt cô nói ngay: “Cô là dân CĐ, nói một là một, hai là hai!”. Nghe giọng khí khái của cô, ông Bình biết là “chắc ăn như bắp” nên về báo cáo lãnh đạo xã triển khai ngay. Chuyện bắt đầu vào cuối năm 2016, cô Tư đến xã xin đóng góp tiền để rải đá toàn tuyến lộ nông thôn ấp Hòa Dân. “Thấy đường đất trơn trợt, đi lại khó khăn, nhất là mấy cháu học sinh trợt chân té, dơ hết quần áo... xót, cô quyết định gom hết tiền lương hưu, tiền dành dụm từ trước tới giờ được 80 triệu đồng để nhờ xã đứng ra làm đường dùm”. Theo lời cô Tư, vì sợ lãnh đạo xã không triển khai nhanh, cô đã lên tiếng “hù dọa”: Trước đây, cũng tại đường sá đi lại khó khăn mà phần lớn trẻ em ở Hòa Dân chỉ học đến hết Tiểu học là nghỉ ở nhà phụ giúp gia đình. Giờ, nếu không làm nhanh, sẽ tái diễn chuyện cũ.
Trước lý lẽ và tình cảm hừng hực của cựu cán bộ CĐ, lãnh đạo xã vào cuộc ngay. Khẩn trương liên hệ vật tư, triển khai cách làm, nhưng sau đó các anh lại “đứng hình” khi biết tổng chi phí rải đá cấp phối toàn tuyến lộ nông thôn dài 1,2km này đã lên đến 150 triệu đồng, mà phần lớn người dân ở Hòa Dân sống bằng nghề nông nghiệp... Biết chuyện, cô Tư lại ra xã, gặp lãnh đạo bày tỏ: “Mấy đứa làm đi, cô sẽ cùng Ban ấp vận động thêm”. Tại buổi họp Tổ Nhân dân tự quản 15 và 16, cô Tư đứng lên nói: “Tôi mới kêu mấy đứa con tiếp sức thêm được 20 triệu đồng, như vậy tổng cộng được 100 triệu đồng rồi, nhưng để nhẹ gánh cho bà con, phía trước nhà tôi, tôi tự làm”. Thấy cô Tư tuổi cao mà đóng góp hết mình, bà con hưởng ứng ngay.
Người không chịu hết giờ
“Không phải đợi đến lúc gom 100 triệu đồng tiền tích cóp cho địa phương rải đá cấp phối 1,2km lộ nông thôn ấp Hòa Dân, mà lâu nay chúng tôi luôn xem “Cô Tư CĐ” như niềm tự hào về đóng góp an sinh xã hội của người cao tuổi sống có ích, sống nêu gương sáng” - câu nói của Chủ tịch UBND xã Nhị Mỹ Nguyễn Chí Công không chỉ khiến phóng viên CĐ tôi đây “thơm lây”, mà còn hé mở cho chúng ta bao điều về truyền thống cống hiến của người cán bộ trong tổ chức tiên phong của sự nghiệp cách mạng, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước... Đem chuyện này hỏi cô Tư, cô cười ngất rồi “chửi yêu”: “Đứa nào nhiều chuyện vậy? Lâu quá cô quên hết rồi”.
Cô Tư là vậy đó, rất kiệm lời khi nói về mình. Và đây không phải là lần đầu cô không “tính toán” về chính mình. Bởi trước đó, cô đã chủ động xin lãnh đạo không cơ cấu mình vào Ban Thường vụ trong suốt 2 nhiệm kỳ làm Trưởng ban Nữ công với lý do gia đình có 4 con nhỏ và mẹ già bệnh kinh niên, sợ không xứng đáng với danh... Ông Võ Hưng Thông - Chủ tịch LĐLĐ Đồng Tháp thời kỳ ấy đã xác tín với tôi rằng: “Thực sự thì Tư Châu làm việc nhiệt tình, rất trách nhiệm...”. Phải đến khi anh Tấn Lộc lên tiếng “năn nỉ”: giúp cho nhà báo hoàn thành nhiệm vụ, cô Tư mới đồng ý bằng nụ cười xòa, nhưng không quên nhắc nhở: “Viết nhẹ nhàng thôi, đừng để người ta nói cô già mà còn... nổ”. Giọng chân tình, cô cho biết, năm 2010, nhân lần đi thăm đồng đội thời kháng chiến dịp trước Tết đang sống tại xã vùng sâu, tận mắt chứng kiến một số hộ gia đình gần đó thiếu trước hụt sau, cô nảy sinh ý tưởng giúp người khó khăn đón Tết. Nghĩ là làm, cô vận động vài bạn thân sinh hoạt trong Chi hội “Người cao tuổi” xã. Người hùn tiền, người hùn hiện vật... Sau khi quy đổi ra được 70 phần quà gồm gạo, nước tương, đường, bột ngọt... cô tổ chức đi tặng. Nhìn niềm vui hiện rõ trên gương mặt của người nhận, nhóm từ thiện của cô Tư tự nguyện gắn bó với công việc này đến tận hôm nay. Thậm chí sau đó còn khai sinh ra nhiều mô hình nhân văn khác như: Hỗ trợ sửa nhà, tiền cho người nghèo lúc ốm đau, bệnh tật đột xuất... Đặc biệt, còn hướng hành động thiện nguyện đến những nơi ít nhận được sự quan tâm của nhiều nhà hảo tâm như: Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Phổi... “Một lần đến đây thăm người quen, thấy nhiều bệnh nhân tỏ ra rất buồn và đáng thương, hỏi ra, mới biết họ bị gia đình xa lánh, ít quan tâm... nên cô đã rủ bạn bè cùng tâm chí hùn tiền mua đồ đến chăm sóc họ”- cô Tư thật lòng - “Toàn người cao tuổi nên đóng góp không nhiều, chủ yếu là chuyển tải tình thương”. Theo đó, mỗi khi đến kỳ lãnh lương hưu, cô Tư cùng nhóm bạn bàn bạc nhau để chọn ra nhu cầu thiết yếu rồi tổ chức đi thăm... Khi thấy người tâm thần hay xé mùng dễ bị muỗi cắn, đoàn quyết định đến vá mùng cũ và tặng mùng mới, hoặc khi thấy bệnh nhân ngồi ăn chật chội, thì quyết định mua bàn ghế ăn để tặng... Thật tình, nếu không trực tiếp nghe lãnh đạo địa phương nói về cô với tất cả niềm tự hào xứ sở, khó có thể tin rằng, bà lão ăn mặc đơn giản với chiếc áo công nhân cũ sờn và bạc màu lại có nhiều việc làm giàu nhân ái, nhân văn đến vậy. Nhưng với cô, đơn giản đó là hành động tất yếu của một người có nhiều duyên nợ với vai trò người mẹ, người chị... “Cô không nghĩ đó là thành tích, mà chỉ là trả ơn cuộc đời, trước đây cô nợ những người chị, người mẹ quá nhiều giờ thì tìm cách trả...”.
Báo ân cuộc đời
Sinh ra trong gia đình có nhiều người tham gia kháng chiến ở xã Nhị Mỹ, cô Tư sớm đến với cách mạng. Khởi đầu là giao liên, chèo ghe đưa cán bộ đi các cơ sở bí mật, sau lên làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Nhị Mỹ rồi lên Ban Binh vận, Ban Kinh tài tỉnh trước khi bị lộ phải vô vùng giải phóng vào năm 1964. “Lúc đó tổ chức giao nhiệm vụ chuyển mua tân dược từ Cao Lãnh lên Hồng Ngự để sang bên kia biên giới giao cho đơn vị chủ chốt. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, rất nhiều người đã sa lưới, vì chỉ một sơ hở là bị tóm ngay”- cô Tư bồi hồi nhớ lại. Vậy mà cô đã hoàn thành nhiệm vụ trót lọt trong thời gian dài nhờ sự mưu trí, nhạy bén của mình. “Mỗi khi đi, cô mặc áo dài thật đẹp rồi ra giữa đường đón xe Jeep của lực lượng Quân cảnh để xin đi nhờ”- cô Tư khiến chúng tôi như nghẹt thở vì hồi hộp - “Khi được đồng ý là nhảy lên ngồi cạnh sĩ quan chỉ huy ngay. Khi gần đến trạm gác thì giả đò trò chuyện để bọn lính nghĩ là “người nhà” của sếp, nên bỏ qua không xét hỏi. Không chỉ dùng “mỹ nhân kế”, cô còn sáng tạo ra nhiều loại “vỏ bọc” chứa hàng rất độc đáo như móc rỗng ruột bánh thuốc rê Cao Lãnh để dấu tiền bên trong, nhờ vậy mà nhiều lần cô thoát nạn trong tình cảnh “đường tơ, kẽ tóc”.
Tuy nhiên, chiến tranh tàn khốc đã không chừa ai. Năm 1964, sau 5 lần bị địch bắt vì chiêu hồi chỉ điểm, hứng nhiều đòn roi chí mạng: gãy 4 răng, sẹo đầy mình (sau này được công nhận thương binh 3/4), cô được tổ chức đưa vô căn cứ. Tại đây, cô kết hôn và lần lượt sinh 4 người con. “Mỗi lần sinh, là cô nợ các mẹ, các chị một ân tình” - giọng cô Tư rưng rức - “Khi con biết ăn, cô mang con ra gởi dân nuôi dưỡng. Đến mùa lúa, xin phép tổ chức trà trộn vô dân cắt lúa mướn, gởi tiền phụ nuôi con”. Chính vì thế mà sau ngày hòa bình, được bổ nhiệm làm lãnh đạo một phòng của Sở Thương nghiệp - một công việc nhiều người ao ước - cô đã tự nguyện xin chuyển về Ban Nữ công LĐLĐ Đồng Tháp để có nhiều điều kiện trả ơn các mẹ, các chị... Khi cả 4 người con học hành, làm việc thành đạt, cô lại tìm cách trả ơn cuộc đời.
Đến, nghe và thấy “Cô Tư CĐ” sống và cống hiến, tôi như được thắp lên niềm tin yêu cuộc sống: Xã hội còn có những người sống vì mọi người.
LỤC TÙNG