“Công dân số”ở Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 02/03/2022 09:37:32

ĐTO - Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên nghị trường, trong mọi hoạt động giao tiếp nói chung..., các cụm từ “chuyển đổi số”; “xã hội số”; “kinh tế số”; “Chính phủ số”... đã xuất hiện với tần suất cao, tương thích với chủ trương số hóa nền kinh tế - xã hội đang được Chính phủ, các ngành, các cấp, các địa phương tích cực thực hiện và ít nhiều đã có những kết quả nhất định.

Trong bài viết ngắn này, xin bàn đến khái niệm “công dân số”, ứng với việc vận dụng, thực thi của mỗi người dân hiện nay, trong tiến trình số hóa đang diễn ra mạnh mẽ khắp thế giới và tại đất nước ta nói chung, ở Đồng Tháp nói riêng. Có thể khẳng định, không có “công dân số” thì cũng chẳng bao giờ có “xã hội số”, “kinh tế số”..., dù có thực hiện “Chính phủ số” tốt đến đâu! “Công dân số” chính là điều kiện đầu tiên, cơ bản, tiên quyết để thực hiện “chuyển đổi số” nói chung.

Trước hết, phải khẳng dịnh, không phải bất cứ ai biết sử dụng internet, thậm chí sử dụng thành thạo, đều trở thành “công dân số”. Một công dân được coi là “công dân số”, phải hội đủ ít nhất những tiêu chí quan trọng sau đây:

1. “Công dân số” là người phải có tầm hiểu biết, thậm chí hiểu biết kỹ càng, sâu rộng về internet, về kỹ thuật số, đồng thời phải là người, từng bước và thường xuyên sử dụng internet, nền tảng kỹ thuật số như là một công cụ lao động và giao tiếp quan trọng hàng đầu. 2. “Công dân số” là người phải đạt trình độ nhất định, hơn thế là trình độ cao về công nghệ - thông tin. Đó là những người có kỹ năng sử dụng các thiết bị điện tử và máy móc nói chung, nhất là sử dụng thành thạo internet, xử lý chuẩn xác thông tin trên các mạng xã hội. “Công dân số” là người bao giờ cũng biết làm chủ suy nghĩ và hành động của mình, với tư cách một công dân đích thực, trong thời đại bùng nổ công nghệ - thông tin như hiện nay. 3. “Công dân số” là người phải có trình độ hiểu biết nhất định về thực tiễn thế giới ảo và về văn hóa số đang tồn tại song hành với cuộc đời thực, qua đó có những hành vi ứng xử chuẩn mực, phù hợp, tương thích. Nói đến “công dân số” là nói đến việc họ bao giờ cũng gắn kết với các thiết bị số, nhất là các thiết bị di động. “Công dân số” là người luôn biết làm chủ các thiết bị này để có những thao tác, ứng xử chuẩn mực, khách quan, phù hợp với đạo lý, đạo đức của cộng đồng, dân tộc. 4. “Công dân số” là người hiểu biết về luật truyền thông nói chung, truyền thông số nói riêng. Ngoài việc giao tiếp chuẩn mực, cẩn trọng trong môi trường số như nói ở trên, “công dân số” phải là người nắm rõ và tuân thủ các quy định của pháp luật Nhà nước về truyền thông trong môi trường số như: cho phép hay cấm đoán những thao tác, hoạt động nào. “Công dân số” là người phải tỉnh táo và biết “khước từ” trước các thông tin xấu, độc, vi phạm an ninh quốc gia, gây chia rẽ dân tộc, kích động thù địch, vi phạm quyền lợi và tự do của công dân... 5. “Công dân số” là người luôn có trách nhiệm và đạo đức thông tin. Luật pháp quy định trong truyền thông kỹ thuật số nhất thiết phải được người được coi là “công dân số” tuân thủ một cách nghiêm túc. Hơn thế, họ phải là người luôn đặt đạo đức thông tin lên hàng đầu và luôn tuân theo một cách tự nguyện. Ví dụ, khi giao tiếp trên Facebook, một người được coi là “công dân số” phải là người luôn tỉnh táo trước các dòng trạng thái (status) để nhận chân phải trái và bình luận (comment) hay chia sẻ (share) sao cho thật thận trọng, đúng mực. Ngoài ra, “công dân số” còn là người phải tích cực tham gia với truyền thông số, truyền thông xã hội đa phương tiện; ủng hộ việc tham gia xã hội số một cách tự chủ; nhận thức một cách đúng đắn, chuẩn mực và biết tôn trọng quyền riêng tư trong tranh luận...

Nói một cách tóm tắt, “công dân số” là người tham gia mọi mặt hoạt động trong cộng đồng, trong xã hội bằng công nghệ - thông tin và là những người sử dụng internet thường xuyên, hiệu quả.

Vậy, ở Việt Nam nói chung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng, việc thực hiện “công dân số” đã, đang và sẽ diễn ra như thế nào? Có khá nhiều vấn đề, khía cạnh, tiêu chí liên quan đến việc hiện thực hóa “công dân số” như đã nêu trên. Trước mắt, theo tôi, thực hiện “công dân số” là phải thực hiện cho được hai phương diện mấu chốt sau:

Một là, phải số hóa càng nhanh càng tốt các thủ tục và các loại giấy tờ hành chính cũng như các thủ tục, công nghệ trong mọi hoạt động học tập, sản xuất, kinh doanh... khác (như giáo dục, ngân hàng, hải quan, sàn thương mại điện tử...). Về các giấy tờ hành chính, rất đáng mừng là cho đến đầu năm 2022, căn cước công dân có gắn chíp đã cơ bản được cấp cho hầu hết công dân, giúp công dân không chỉ được quản lý tốt hơn, an toàn hơn về mặt hành chính mà còn giúp họ có điều kiện tốt nhất tham gia vào các hoạt động trong lĩnh vực số hóa. Hộ chiếu điện tử có gắn chíp, bệnh án điện tử... cũng đã có những tác động tích cực tương tự.

Hai là, người dân nói chung, công dân nói riêng, phải từng bước chủ động sử dụng thành thạo internet, mạng xã hội, coi đó là lợi thế hàng đầu để tồn tại, hội nhập, phát triển trong thời đại số hóa, thời đại 4.0. Trong thời gian đại dịch Covid - 19 bùng phát, cả nước nói chung, Đồng Tháp nói riêng, nhiều người dân đã dần làm quen và thích nghi ít nhiều với môi trường số, dù tính tự phát vẫn còn khá cao. Thấy rõ nhất là hoạt động dạy - học trực tuyến, các dịch vụ hành chính hay việc mua bán hàng hóa qua mạng... Để những yếu tố “công dân số” này dần đi vào quy củ, nề nếp, rất cần sự chung tay vào cuộc có trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, nhất là của các nhà cung cấp các loại hình số hóa. Ở đây, vấn đề lợi ích kinh doanh và định hướng phục vụ phải luôn song hành một cách hài hòa, hiệu quả.

“Công dân số” là một sứ mệnh mang tính thời đại, dù muốn khước từ cũng không được. Cả nước ta, mỗi địa phương và từng công dân cần nhận thức rõ điều này để tích cực thực hiện càng sớm, càng nhanh, càng tốt. Hy vọng Đồng Tháp ta sẽ là một trong những nơi đi đầu trong cuộc cách mạng số hóa này.

TAO ĐÀN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn