Ấm áp với dĩa cơm 1.000 đồng

Cập nhật ngày: 07/12/2018 16:59:30

ĐTO - Với mong muốn giúp đỡ người lao động, học sinh nghèo có bữa cơm no lòng để mưu sinh, học tập, anh Võ Văn Tâm, ngụ huyện Lai Vung đã thành lập quán cơm chay 1.000 đồng. Quán cơm tọa lạc tại ấp Tân Lộc, xã Tân Thành, huyện Lai Vung (gần khu công nghiệp Sông Hậu) với tên gọi Cơm chay Bồ Đề Lai Vung 1.000 đồng/phần.


Anh Võ Văn Tâm

Gần một tháng đi vào hoạt động, quán đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều lao động, học sinh nghèo, người bán vé số, công nhân… ở khu vực này.

Hằng ngày, quán mở cửa phục vụ khách từ 6 giờ đến 18 giờ, với 4 món chay: kho, chiên, xào và canh. Quán phục vụ trên 500 dĩa cơm mỗi ngày, thực khách đủ các thành phần từ người bán vé số, cho đến công nhân, học sinh nghèo… trên địa bàn. Ngoài ra, quán còn có thêm các món như hủ tiếu, bún riêu và bún bò chay. Đa số thực khách sau khi ăn xong, sẽ tự lau dọn, rửa bát đĩa, lau khô, xếp lên kệ để cho người đến sau có bát đĩa sạch để ăn. 


Những món ăn được anh Tâm chuẩn bị phục vụ thực khách

Với hình thức vừa bán vừa hỗ trợ người nghèo có bữa cơm ấm lòng, thực khách đến ăn cơm chỉ cần bỏ vào thùng thiện nguyện 1.000 đồng, nhưng đa số thực khách đến đây ăn rất ít khi bỏ vào thùng thiện nguyện tờ 1.000 đồng, mà là 2.000 đồng, 5.000 đồng...

Cũng có những "vị khách đặt biệt" đến đây vì thức ăn ngon và cảm động trước ý nghĩa mà quán cơm mang lại, nên bỏ vào thùng thiện nguyện tiền mệnh giá từ 50.000 cho đến 200.000 đồng. Ngoài ra, khi thực khách mua về, giá cơm sẽ là 8.000 đồng/phần.

Theo anh Tâm lý giải: Ngoài việc trả tiền thuê mặt bằng hàng tháng, mỗi ngày anh phải bù lỗ vào quán cơm gần 2 triệu đồng. Để có thể duy trì hoạt động của quán, ngoài việc phần cơm đem về có giá 8.000 đồng, anh còn bán thêm nước giải khát như sâm lạnh, sữa bắp, nước nha đam để có thêm kinh phí.

Để có được những món ăn ngon, hấp dẫn, anh Tâm phải thức gần 12 giờ khuya hôm trước để chuẩn bị nguyên liệu, khoảng 3 giờ sáng hôm sau, anh nấu nướng để phục bữa sáng cho thực khách.

Cùng mong ước giúp người nghèo như anh Tâm, nhiều người nhàn rỗi đã tình nguyện đến quán phụ giúp anh Tâm chế biến các món ăn phục vụ khách. Như cô Nguyễn Thị Tát, ngụ xã Định Yên, huyện Lấp Vò, chia sẻ: "Tôi đến phụ ở quán từ khi quán mới thành lập đến nay. Cứ rãnh rỗi tôi tranh thủ đến đây phụ nấu ăn, sơ chế thức ăn. Tuy có hơi mệt nhưng tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì mình làm được việc có ý nghĩa, giúp được cho người nghèo”.


Hàng ngày có nhiều mạnh thường quân đến quán phụ giúp

Từ ngày quán cơm của anh Tâm đi vào hoạt động đến nay, nhiều người nghèo bán vé số, công nhân, học sinh nghèo quanh khu vực này vui mừng khôn xiết vì không còn lo nhiều chi phí cho mỗi bữa cơm. Bà Đỗ Thị Sương, 50 tuổi, ngụ xã Tân Hòa, huyện Lai Vung làm nghề bán vé số dạo, cho biết: “Mỗi ngày tôi thu nhập gần 100 ngàn đồng từ việc bán vé số dạo. Nếu ăn cơm chỗ khác ít nhất tốn 15.000 đồng/lần. Từ ngày có quán cơm này, tôi chỉ tốn 1.000 đồng cho mỗi lần ăn, giúp tôi tiết kiệm được chi phí hàng ngày".


Thực khách ngon miệng bên dĩa cơm 1.000 đồng

Có thể thấy rằng, thời gian qua, nhiều mô hình thiện nguyện đầy ý nghĩa như quán cơm 1.000 đồng của anh Võ Văn Tâm đã góp phần giúp đỡ cho người dân nghèo bớt đi được nỗi lo trong cuộc sống. Giữa dòng đời bộn bề những lo toan, hi vọng thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm nhiều mô hình ý nghĩa tương tự. 

Thành Nguyễn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn