Báo động tình trạng ly hôn trong giới trẻ

Cập nhật ngày: 08/08/2014 04:48:37

Hiện nay, ở huyện Lấp Vò tình trạng ly hôn ở những gia đình trẻ đang tăng ở mức báo động, để lại những hệ lụy không nhỏ cho người trong cuộc và gánh nặng cho xã hội.

Kết hôn năm 23 tuổi, sau 6 năm sống chung, có với nhau 3 mặt con, hai vợ chồng anh T.V.T., ấp Bình Hòa, xã Bình Thành đã ly dị nhau vì lý do bất đồng quan điểm, không hợp nhau. Vợ anh T. đi TP.HCM rồi gá nghĩa với người đàn ông khác, còn anh T. cũng góp gạo thổi cơm với người phụ khác ở tận Bình Dương, bỏ lại 3 đứa con cho bà nội là bà Lương Thị Ấm, ấp Bình Hòa, xã Bình Thành nuôi dưỡng. Nhìn góc độ nào đó, có thể đây là hướng giải thoát tốt cho cả 2 người, nhưng đằng sau hạnh phúc của 2 người lớn là bi kịch của 3 đứa trẻ “mồ côi”.

Có thấy cảnh 4 bà cháu bà Lương Thị Ấm ngồi xỏ từng chiếc lông gà để kiếm tiền mua gạo, mua sách vở đến trường mới cảm nhận sự xót xa đối với 3 đứa trẻ mồ côi. Ba đứa trẻ gầy ốm, nhem nhuốc trong bộ quần áo xỉn màu bùn, đứa lớn nhất mới 11 tuổi, đứa nhỏ nhất vừa tròn 6 tuổi. Bà Lương Thị Ấm kể: “Hai vợ chồng con trai tôi ly dị nay đã 6 năm, khi đó con gái lớn của chúng nó mới 5 tuổi, đứa trai kế 4 tuổi còn đứa út mới 7 tháng tuổi. Xa mẹ, xa cha, nghèo khổ nên ba đứa bệnh thường xuyên.”

“Yêu nhanh, cưới vội” là thực trạng đáng buồn của nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay. Theo Tòa án nhân dân huyện Lấp Vò vài năm trở lại đây, tình trạng ly hôn ở các gia đình trẻ tăng đột biến. Cụ thể, chỉ từ tháng 10/2013 đến 6/2014 Tòa án thụ lý gần 205 vụ xin ly hôn, trong đó, có trên 170 vụ (chiếm 82,9%) thuộc nhóm tuổi từ 30 tuổi trở xuống. Điều đặc biệt, có đến khoảng 60% phụ nữ là nguyên đơn vụ án ly hôn. Và với người dân, chuyện các cặp vợ chồng trẻ cưới nhau chưa được bao lâu đã phải ra tòa ly hôn không còn gì xa lạ. Cho biết nguyên nhân mà các cặp chọn giải pháp ly hôn ông Bùi Văn Phương, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Lấp Vò nói: “Nguyên nhân dẫn đến ly hôn rất đa dạng như: lứa tuổi kết hôn thấp, nhận thức của 2 bên về xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc không cao, gia đình người chồng còn tư tưởng phong kiến kiểu “chồng chúa vợ tôi”, hay do kết hôn vội vã, sự chín chắn về tình thương, tình yêu, tình cảm chân thành với nhau còn hạn chế nên khi cưới về sống chung với nhau trong gia đình một thời gian thấy rằng đối phương của mình không phù hợp”.

Bên cạnh đó, việc ly hôn do mâu thuẫn về kinh tế hay cờ bạc, rượu chè, ngược đãi, đánh đập vợ con cũng chiếm phần lớn (47 vụ). Nhiều cặp vợ chồng trẻ, sau khi cưới nhau cả 2 đều không có việc làm ổn định dẫn đến đời sống kinh tế gia đình bấp bênh. Không có tiền nuôi con nên mâu thuẫn thường xuyên xảy ra (23 vụ). Là thành viên trong câu lạc bộ xây dựng gia đình bền vững, từng đóng vai trò là người gỡ rối mâu thuẫn cho nhiều cặp vợ chồng có ý định ly hôn tại địa phương cũng như chứng kiến nhiều bi kịch hôn nhân của các cặp vợ chồng trẻ, cô Huỳnh Thị Kim Thủy, ấp Bình Hòa xã Bình Thành cho biết: “Một số trường hợp kết hôn quá vội, không tìm hiểu kỹ đối phương, việc làm không ổn định, làm không ra tiền dẫn đến vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Bên cạnh đó có, một vài trường hợp “ăn cơm trươc kẻng” nên kết hôn ở tuổi quá nhỏ, khi về sống chung không biết chăm sóc gia đình, rồi chỉ trong vòng tháng thì cô dâu trở về nhà mẹ...”.

Hôn nhân đổ vỡ không chỉ làm ảnh hưởng đến gia đình, người thân mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Sau những cuộc hôn nhân không thành là những đứa con vô tội phải sống trong cảnh thiếu tình thương và sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ. Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tội phạm và các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng.

Ngọc Hân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn