Báo động về nguy cơ bùng phát cúm gia cầm

Cập nhật ngày: 17/02/2014 04:25:13

Theo ngành thú y, thời tiết nóng, ẩm, se lạnh là điều kiện hết sức lý tưởng để dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát trở lại, nên công tác phòng, chống dịch bệnh đang được khẩn trương thực hiện.

Thông tin về trường hợp bà Võ Thị U. ngụ tại ấp Tân Thạnh, xã Tân Long, huyện Thanh Bình bị tử vong do nhiễm cúm gia cầm làm nhiều người không khỏi lo ngại.


Ngành thú y khuyến cáo người dân nên sử dụng sản phẩm
gia cầm rõ nguồn gốc

Trước đó, có một người làm 2 con vịt bị bệnh (rụt đầu) trong đàn vịt xiêm 5 con của ông Nguyễn Thanh P. ngụ ấp Tân Thạnh, xã Tân Long, huyện Thanh Bình và đem nửa con sang cho bà U. chế biến thức ăn. Sau khi ăn xong, ngày hôm sau, bà U. có những biểu hiện nóng lạnh, đầu bị nhức, tăng huyết áp, khó thở. Gia đình đưa đi điều trị, nhưng 5 ngày sau bà U. tử vong với kết quả bị nhiễm cúm gia cầm.

Sau khi bà U. chết, lực lượng thú y đã phun xịt tiêu độc khử trùng tất cả các chợ có bán gia cầm trên toàn huyện, đồng thời tiêm phòng cho toàn bộ đàn gia cầm tại 3 ấp gồm: Tân Thạnh, Tân Phú, Tân Phú B. Ngành thú y đã lấy 108 mẫu giám sát gia cầm tại các hộ xung quanh hộ của ông B. và bà U., nhưng tất cả các mẫu đều cho âm tính với cúm gia cầm H5N1. Từ đó đến nay, toàn tỉnh chưa phát hiện “điểm nóng” nào về gia cầm chết với số lượng lớn trên địa bàn tỉnh.

Tháng 1/2014, Chi Cục Thú y đã kiểm tra, giám sát, lấy mẫu tìm hiểu về gia cầm có virus cúm tại các chợ phường 2 (TP.Cao Lãnh), chợ phường An Thạnh (TX.Hồng Ngự), chợ thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông), chợ thị trấn Mỹ An (huyện Tháp Mười), chợ xã Tân Phú Đông (TP.Sa Đéc), chợ thị trấn Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh) đã phát hiện 5/36 mẫu dương tính với H5N1. Phát hiện virus cúm trong số gia cầm lưu hành tại các chợ là điều rất đáng lo, bởi đây là nơi người dân mua bán các sản phẩm gia cầm. Ngoài ra, công tác tiêm phòng cúm gia cầm hiện nay chưa đạt chỉ tiêu (đợt I) trên gà chỉ đạt 23%, vịt 58% (tính đến ngày 1/1/2014).

Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn chủ quan, chưa chủ động liên hệ với thú y để tiêm phòng vaccin phòng cúm trên gia cầm. Trong khi đó, một số địa phương trong tỉnh đang bước vào thu hoạch lúa, vịt chạy đồng từ tỉnh khác sẽ về nhiều. Ước tính của ngành thú y, từ 5 triệu con gia cầm vào thời điểm 1/10/2013 đến khoảng tháng 3, 4/2014 số gia cầm có thể tăng ở mức 10 triệu con (chủ yếu là vịt). Số vịt chạy đồng khó kiểm soát, khó quản lý và xử phạt theo Pháp lệnh thú y, bởi ngành thú y chủ yếu sử dụng vận động người dân tự giác thực hiện, chưa xử phạt để răn đe.

Các giải pháp để đối phó với dịch bệnh đang được ngành thú y gấp rút tiến hành. Trong đó công tác tiêm phòng trên đàn gia cầm đang được tăng cường thực hiện trong toàn tỉnh theo đúng thời gian. Công tác truyền thông tư vấn đến người dân về cúm gia cầm cũng được thực hiện tại các điểm trường học (dành cho đối tượng học sinh), khu vực chợ, các hộ chăn nuôi. Các Trạm thú y, mạng lưới thú y cơ sở thường xuyên thực hiện việc tiêu độc, khử trùng giảm thiểu mầm bệnh trong môi trường, không để phát sinh ổ dịch bệnh. Thạc sĩ Võ Trọng Phước - Phó Chi cục trưởng Chi Cục Thú y tỉnh cho biết: “Để bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng, người dân nên chủ động tiêm phòng cúm gia cầm, gia súc. Nếu sử dụng sản phẩm gia cầm, tuyệt đối không ăn tiết canh, gia cầm phải có giấy chứng nhận kiểm dịch, tiêm phòng của cơ quan quản lý. Người chăn nuôi hãy đến cơ sở thú y địa phương nhận miễn phí thuốc tiêu độc sát trùng về phun xịt chuồng trại. Khi phát hiện nơi nào có hiện tượng gia cầm bị bệnh chết hàng loạt, người dân cần gọi điện thoại đường dây nóng số: 0673.876135, để cơ quan thú y có biện pháp xử lý...”.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn