Bao giờ “mưa bụi” chấm dứt?

Cập nhật ngày: 21/08/2015 12:22:01

Qua phản ánh của người dân về tình trạng gây ô nhiễm môi trường của nhà máy xay lúa tọa lạc ở ấp Tây, xã Tân Thạnh (huyện Thanh Bình), chúng tôi đến nơi để tìm hiểu. Tại đây, nhiều người dân tỏ ra bức xúc việc bụi trấu và mùi phân heo bay vào nhà làm ảnh hưởng đến sức khỏe và điều kiện sinh hoạt.


Bụi cám, bụi trấu từ phía nhà máy xay lúa ngày nào cũng “hành” nhà dân

Ông N.V.S. là một trong những hộ dân có nhà ở cách nhà máy khoảng 150m “bị hành” suốt một thời gian dài. Nhiều lần ông S. phản ảnh tới chính quyền địa phương, nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền nào vào cuộc giải quyết triệt để. Ông S. bức xúc nói: “Có lúc, nhà máy hoạt động xuyên suốt, dân chúng ở đây chịu không nổi, nhiều nhà phải dùng vật dụng bao xung quanh suốt ngày để ngăn bụi bay vào”. Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân ví sự ô nhiễm từ nhà máy xay lúa với cụm từ: “mưa bụi”, “mưa cám”, “mưa trấu”... trút xuống đầu người dân vô tội vạ, không biết khi nào mới chấm dứt. Bà H.T.L. nói: “Hàng ngày, bụi cám, bụi trấu bay tứ tung vô nhà kèm theo mùi phân heo gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của gia đình. Con trai tôi 5 tuổi hay bị nhảy mũi, da bị ngứa... do ảnh hưởng của bụi từ phía nhà máy”.

Thời gian trước, bà L.T.L. có nhà sinh sống ở gần nhà máy xay lúa, do bị ô nhiễm, gia đình bà L. đã bán đất sang nơi khác ở (cách nhà máy khoảng 200m) những vẫn bị ảnh hưởng. Bà L. cho biết: “Nhiều người dân sống xung quanh ở đây đều bức xúc việc ô nhiễm môi trường, nhưng bức xúc cũng chẳng giải quyết được gì. Chúng tôi đành bất lực. Tội nghiệp nhất là mấy đứa trẻ hay bị ngứa da do bụi trấu, bụi cám bay dính vào người, có khi dẫn đến bệnh”. Bà L.T.L. cho biết thêm, trước đây do nhà máy gây ô nhiễm, việc trồng rẫy kém năng suất, nên bà đã bán 2 công đất trồng rẫy cho phía nhà máy với giá rẻ. Hay trường hợp của ông L.V.S. là hộ dân từng “tiên phong” cùng với nhiều người dân trong ấp Tây khiếu nại về trình trạng gây ô nhiễm do nhà máy gây ra. Nhưng cuối cùng ông L.V.S. cũng bán đất di dời nhà đi nơi khác sinh sống.

Xung quanh vấn đề trên, theo UBND xã Tân Thạnh, nhà máy xay lúa trên do ông Nguyễn Văn Kha làm chủ, trước đây hoạt động với quy mô nhỏ. Đến tháng 7/2014, nhà máy bị cháy, sau đó được xây dựng lại với quy mô hoạt động lớn hơn (xay xát, lò sấy, nuôi heo). Đã có người dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng địa phương cũng gặp khó khăn trong việc đưa ra cơ sở để xử lý theo quy định. Tuy nhiên, UBND xã có phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Thanh Bình kiểm tra và tìm hướng khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo phản ánh của người dân.

Qua phản ánh của Báo Đồng Tháp, mong rằng chính quyền địa phương, ngành chức năng có thẩm quyền của huyện Thanh Bình sớm có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nói trên nhằm trả lại môi trường trong lành cho người dân xung quanh khu vực nhà máy.

Dương Út

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn