Bảo hiểm xã hội bắt buộc có gì mới?

Cập nhật ngày: 02/08/2013 05:17:49

Giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến quyền lợi về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) của người lao động, phóng viên Báo Đồng Tháp có cuộc phỏng vấn bà Huỳnh Nguyễn Phương Oanh - Trưởng Phòng Thu BHXH tỉnh xung quanh vấn đề này.

* Thưa bà, Nghị định 44/2013/NĐ-CP có những điểm mới nào đáng chú ý?

Nghị định này quy định chi tiết thi hành Bộ luật Lao động về việc tham gia BHXH bắt buộc, BHTN, BHYT bắt buộc của NLĐ khi giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động (NSDLĐ).

Về trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, BHTN, BHYT bắt buộc của NSDLĐ và NLĐ. Nghị định quy định, trong trường hợp NLĐ giao kết hợp đồng với nhiều NSDLĐ mà hai bên thuộc đối tượng tham BHXH bắt buộc, BHTN, BHYT thì NLĐ và NSDLĐ của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm bắt buộc, BHTN; NLĐ và NSDLĐ của hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất có trách nhiệm tham gia BHYT.

Ngoài ra, NLĐ còn được nhận khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc, BHTN, BHYT bắt buộc do NSDLĐ của các hợp đồng còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương. Khi hợp đồng lao động mà hai bên đang tham gia chấm dứt hoặc thay đổi thì NLĐ và NSDLĐ của hợp đồng lao động kế tiếp có trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, BHTN; NLĐ và NSDLĐ của hợp đồng lao động kế tiếp có mức tiền lương cao nhất có trách nhiệm tham gia BHYT.

* Việc đóng BHYT được tính như thế nào?

Theo quy định hiện nay mức đóng BHYT hàng tháng của NLĐ và NSDLĐ bằng 4,5% mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHYT, trong đó NLĐ đóng 1,5%, đơn vị đóng 3%.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 44/2013/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động (có hiệu lực ngày 1/7/2013). Nghị định nêu rõ trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và BHYT của doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động (NLĐ).

* Trường hợp NLĐ bị tai nạn lao động khi làm nhiệm vụ theo hợp đồng không có tham gia BHXH và BHYT thì được giải quyết chế độ ra sao?

Trong trường hợp này, NSDLĐ có trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho NLĐ.

Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho NLĐ bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

Bồi thường hoặc trả trợ cấp cho NLĐ theo quy định tại Khoản 3 hoặc Khoản 4 Điều 145 của Bộ luật Lao động.

Thông báo bằng văn bản cho những NSDLĐ của các hợp đồng còn lại biết về tình trạng sức khỏe của NLĐ.

* NLĐ ở các hợp đồng khác (hợp đồng không xác định thời hạn; hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 3 tháng trở lên; hợp đồng lao động theo mùa vụ...), khi NLĐ bị tai nạn thì NSDLĐ có trách nhiệm gì?

Nếu NLĐ trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động trong hợp đồng lao động với NSDLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc thì NSDLĐ và tổ chức BHXH có trách nhiệm giải quyết các chế độ cho NLĐ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày NLĐ bị tai nạn lao động, NSDLĐ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tình trạng sức khỏe của NLĐ cho những NSDLĐ của các hợp đồng còn lại biết.

* Xin cảm ơn bà!

Nhựt An
(Thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn