Người thợ cơ khí đam mê sáng tạo
Cập nhật ngày: 02/08/2013 04:48:45
Hơn 1 năm nay, bà con nông dân thuộc địa bàn ấp Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông đã không còn cảnh phải tốn chi phí cho nhân công lao động thủ công trong việc vun luống đất thành liếp làm rẫy để phục vụ cho mùa vụ gieo trồng. Thay vào đó, người dân đã được sử dụng máy. Nhờ có chiếc máy này, công việc đồng áng của bà con nông dân hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí nhân công lao động.
Máy vun luống làm rẫy của cơ sở cơ khí Giang Phúc
Anh Lê Hoàng Giang (35 tuổi) - Chủ cơ sở cơ khí Giang Phúc thuộc ấp Tân Cường, xã Phú Cường là người đã chế tạo thành công chiếc máy vun luống làm rẫy phục vụ nông nghiệp. Anh Lê Hoàng Giang đam mê ngành cơ khí và quyết tâm theo học nghề từ năm 15 tuổi. Thời gian hơn 5 năm đã giúp anh có những trải nghiệm từ công việc và nhận thấy được tầm quan trọng của ngành cơ khí trong phục vụ xây dựng cơ bản và sản xuất nông nghiệp.
Năm 2002, anh Giang trở về quê nhà Tam Nông để mở xưởng cơ khí Giang Phúc. Anh Giang cho biết: “Ý tưởng chế tạo chiếc máy này xuất phát từ thực tế của địa phương đang thiếu thốn phương tiện sản xuất và chi phí thuê nhân công khá cao”.
Để hoàn thiện được chiếc máy vun luống, anh dành rất nhiều thời gian suy nghĩ, hình dung về nguyên lý hoạt động. Sau đó, anh tiến hành tìm kiếm và tập hợp những vật liệu có liên quan. Trong hơn 6 tháng lắp ráp, anh tốn rất nhiều công sức, thực hiện nhiều thử nghiệm để có thể cho xuất xưởng vào đầu năm 2012. Kết quả cho thấy, khi sử dụng máy, tiến độ làm việc trong một ngày cao hơn nhiều lần so với 20 người lao động thủ công. Trong một ngày, máy vun luống có thể cải tạo hơn 15.000m2 đất, giá thuê máy chỉ 3-4 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với việc thuê nhân công.
Với hơn 3 vụ mùa qua, khi máy đưa vào sử dụng, bà con nông dân địa phương rất phấn khởi vì máy vun luống cho thấy khả năng hoạt động có hiệu quả cao, giúp cây trồng phát triển đồng đều. Ngoài ra, sử dụng máy vun luống còn giảm hao hụt lượng giống, phục vụ tưới tiêu, giảm chi phí nhân công lao động và quan trọng hơn là năng suất thu hoạch khá cao. Tổng kinh phí cho việc lắp ráp hoàn chỉnh chiếc máy có giá khoảng 150 triệu đồng.
Những sáng chế của anh Lê Hoàng Giang có thể chưa có mẫu mã hình thức bắt mắt nhưng rất hiệu quả và hữu ích. Với anh Giang, niềm đam mê, kiên trì, chịu khó học hỏi là chìa khóa thành công. Điều anh mong mỏi trong thời gian tới là được các ngành, các cấp lãnh đạo hỗ trợ vốn để đầu tư chế tạo thêm máy vun luống, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, cải thiện đời sống cho người nông dân.
Ông Lê Văn Đông - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN) Đồng Tháp cho biết: “Sản phẩm máy vun luống làm đất của anh Lê Hoàng Giang đã được sử dụng rất hữu ích, mang lại hiệu quả rất lớn cho ngành nông nghiệp. Qua đó, cho thấy được sự sáng tạo nổi bật trong ngành cơ khí. Sản phẩm này là sự kết hợp hoàn hảo giữa hai công đoạn đào đất và vun luống. Vừa qua, Trung tâm KC&TVPTCN đã tổ chức đoàn tham quan hội chợ ngành cơ khí tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm để người thợ cơ khí được gặp gỡ, học hỏi thêm các máy móc cơ khí hiện đại. Thời gian tới, Trung tâm sẽ hỗ trợ thêm về thiết bị, kỹ thuật để nhân rộng mô hình máy vun luống làm đất, góp phần đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất thu hoạch nông nghiệp”.
Bên cạnh đó, theo đề án trong năm 2013, Trung tâm KC&TVPTCN sẽ tập trung để hỗ trợ cho các cơ sở cơ khí, tổ chức thêm các lớp tập huấn đào tạo kỹ thuật. Theo đề án, sẽ chọn huyện Tam Nông là trọng tâm để tập trung cho việc phát triển đề án, mục đích để tạo biến chuyển của ngành cơ khí. Ngoài ra, giúp đào tạo nguồn nhân lực mới có kỹ thuật tốt, khuyến khích những sáng tạo cải tiến mới trong ngành cơ khí để phục vụ sản xuất và góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhật Khánh