Bí quyết giữ hạnh phúc của các gia đình nhà giáo

Cập nhật ngày: 27/06/2014 13:29:12

“Chìa khóa” giữ hạnh phúc của họ là lên kế hoạch, sắp xếp công việc nhà trường, gia đình hài hòa; biết san sẻ công việc cho nhau; giải quyết xung đột một cách khéo léo;... đặc biệt là dù bận rộn thế nào cũng duy trì bữa cơm gia đình để các thành viên quây quần, sum họp, vun đắp tình cảm.


Gia đình hạnh phúc sẽ góp phần đưa xã hội ổn định, phát triển

Cùng là giáo viên (GV), có nhà tại thành phố Sa Đéc, công tác tại huyện Châu Thành, đường xa, công việc bận rộn nhưng vợ chồng cô Trần Kim Lục (GV Trường Tiểu học An Khánh 1) và thầy Huỳnh Quang Linh (GV Trường THCS An Khánh) đã biết cách dung hòa việc trường, việc nhà, cùng nhau nuôi dạy 2 con chăm ngoan học giỏi, xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc là một trong những gia đình nhà giáo tiêu biểu của huyện Châu Thành. Thầy Linh chia sẻ: “Khi sinh đứa con đầu, vợ chồng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Việc nhà việc trường cứ rối bời. Sau thời gian, vợ chồng tôi quyết định mỗi cuối tuần, 2 vợ chồng sẽ dành ít thời gian để lên kế hoạch, sắp xếp công việc phù hợp với lịch dạy. Nếu tôi dạy buổi sáng thì vợ tôi ở nhà chăm sóc con, lo việc gia đình và ngược lại. Còn những lúc 2 vợ chồng dạy trùng buổi thì cả 2 phải thức sớm dọn dẹp nhà, chuẩn bị sẵn thức ăn cho các con và nhờ ông bà nội trông cháu”.

Cô Lục cũng cho biết: “Anh Linh rất chu đáo, anh không bao giờ phân biệt việc của phụ nữ hay đàn ông, anh thường xuyên chia sẻ việc cơm nước, dọn dẹp nhà cửa hay chăm sóc các con thay tôi những lúc tôi đi công tác”. Những việc này, tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại có vai trò không nhỏ trong xây dựng hạnh phúc gia đình và không phải gia đình nào cũng làm được.

Là gia đình nhà giáo tiêu biểu của thành phố Sa Đéc, cô Nguyễn Ngọc Trinh (GV Trường THPT chuyên Nguyễn Đình Chiểu) chia sẻ: “Vợ chồng sống với nhau dưới một mái nhà chắc chắn cũng sẽ có sự khác biệt và bất đồng về quan điểm, đôi khi dẫn đến xung đột. Những lúc như vậy chúng ta cần bình tĩnh, tốt nhất là không nên nói nhiều, vì trong lúc nóng giận cả hai sẽ không kiềm chế được bản thân, dẫn đến những lời nói không hay làm tổn thương nhau. Lúc đó, cần phải khéo léo xử lý, chồng giận thì vợ xoa, vợ giận thì chồng xoa, chờ cả hai bình tĩnh, sau đó từ từ tháo gỡ, có như vậy cuộc sống gia đình mới bền chặt. Bởi thế, mới có câu: Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa một đời chớ khê”.

Còn theo Nhà giáo ưu tú Trần Văn Hoàng - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Năng: “Gia đình giáo viên cũng như những gia đình thuộc các thành phần khác trong xã hội, bữa cơm gia đình có ý nghĩa quan trọng trong việc vun đắp và giữ gìn hạnh phúc gia đình. Bữa cơm gia đình không chỉ là bữa ăn đơn thuần để hưởng thụ mà không khí của bữa ăn còn có giá trị tinh thần rất lớn. Đó là những khoảnh khắc sum họp, là nơi để thể hiện sự tôn trọng, yêu thương, chăm sóc nhau của mỗi thành viên trong gia đình. Ngồi ăn cơm cùng nhau là dịp duy nhất trong ngày để mọi người quan tâm thể hiện tình cảm với nhau: con trẻ thể hiện sự kính trọng với ông bà, cha mẹ qua từng cử chỉ ăn uống; cha mẹ có dịp hỏi han việc học hành của con, chia sẻ những ý tưởng, những tâm tư của con cái; vợ chồng thể hiện tình yêu thương, săn sóc nhau. Vì vậy, những món ăn trong bữa cơm gia đình không cần phải cầu kỳ, nhưng cách chọn, cách nấu cần phù hợp với sở thích các thành viên, vừa với túi tiền gia đình”.

Đây không chỉ là bí quyết xây dựng và giữ hạnh phúc cho riêng các gia đình nhà giáo mà mọi gia đình Việt Nam đều có thể áp dụng, thực hiện để có được gia đình đầm ấm, hạnh phúc.

Bích Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn