Nơi trẻ hoàn cảnh khó khăn được học nghề, làm việc
Cập nhật ngày: 27/06/2014 05:17:34
Đầu năm 2014, UBND TP. Cao Lãnh đã chuyển giao Dự án Phù Sa (DAPS) cho Công ty Cổ phần Công nghệ truyền thông (CPCNTT) Tương Lai quản lý giai đoạn 2. Từ khi tiếp nhận dự án đến nay, Công ty đã tìm giải pháp tiếp tục duy trì hoạt động, qua đó, góp phần hỗ trợ nhiều trẻ em nghèo vượt qua khó khăn.
Các em thiếu nhi thuộc Dự án Phù Sa đang được đào tạo nghề may
Hôm chúng tôi đến Công ty CPCNTT Tương Lai - Chi nhánh tại Đồng Tháp và Công ty thời trang Hoa Cỏ May (trên đường Lê Thị Riêng, phường 1, TP.Cao Lãnh) cũng là lúc các em đang được học kỹ năng, học nghề. Các em là những trẻ có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện tiếp tục đến trường như những bạn bè cùng trang lứa. Năm 1999, khi Võ Thị Uyên (ngụ ấp 1, xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh) chỉ hơn 1 tháng tuổi thì ba mẹ ly hôn và bỏ em lại cho ông bà nội. Do thấy nội nghèo, thường xuyên bệnh nên Uyên học hết lớp 8 thì nghỉ học phụ nội đi làm rẫy mướn.
Từ khi rời ghế nhà trường, em luôn mong muốn được đi học may, nhưng thấy nội không có tiền nên em đành giấu kín ước mơ học nghề. Cách đây 2 tháng, khi được biết DAPS hỗ trợ học nghề cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, Uyên đã làm hồ sơ đăng ký và được xét vào học may miễn phí. Tâm sự với chúng tôi, Uyên chia sẻ: “Em rất mừng vì được vào học may. Đây là cơ hội để sau này học xong em làm có tiền giúp đỡ nội và tự lo cho cuộc sống”.
Tại Công ty thời trang Hoa Cỏ May hiện có 5 trẻ được DAPS hỗ trợ đang theo học nghề may. Chị Lê Thị Thu Hương - Quản lý Công ty thời trang Hoa Cỏ May cho biết, cả 5 em được công ty tiếp nhận vào cuối tháng 4 năm nay. Các em được học trong thời gian 6 tháng. Trong quá trình học, các em được Công ty lo nước uống. Mặc dù được đào tạo chỉ mới 2 tháng nhưng Công ty đã phát hiện nhiều em có năng khiếu. Sau 1 thời gian học, Công ty sẽ trả tiền công cho học viên thành thạo may, khi các em hoàn thành khóa học, sẽ giữ một số em ở lại làm tại Công ty.
Từ khi tiếp quản DAPS đến nay, bên cạnh tiếp tục hỗ trợ đối tượng của DAPS giai đoạn trước, Công ty CPCNTT Tương Lai đã phối hợp với các ngành liên quan tìm kiếm đối tượng tiếp theo cho dự án, qua đó đã tiếp nhận được 600 hồ sơ là đối tượng ngụ 17 xã, phường trên địa bàn TP.Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh. Hiện có 11 trường hợp được Dự án Phù Sa hỗ trợ học các nghề may, quay phim, dựng phim,... Trong quá trình học nghề, nếu có nhu cầu tìm việc làm thì các em được Công ty CPCNTT Tương Lai nhận vào làm tại quầy Tcoffee của Công ty. Ở giai đoạn 2 của dự án, trước mắt, Công ty sử dụng cơ sở vật chất và tài chính hiện có, đồng thời tìm kiếm các nguồn lực tài trợ nhằm hình thành cơ sở vật chất, tài chính riêng để phục vụ dự án.
Theo chị Lê Thị Thùy Dương - thành viên Ban Công tác xã hội (đây là Ban chịu trách nhiệm chính của DAPS) - Công ty CPCNTT Tương Lai, thời gian tới, DAPS sẽ thành lập Dự án “Làng thanh niên”. Dự án “Làng thanh niên” được thực hiện ngay tại TP. Cao Lãnh - đây là cơ sở dạy nghề và tạo ra sản phẩm để giải quyết nhu cầu đào tạo và việc làm cho người lao động. Dự án hoạt động theo phương thức toàn bộ nguồn thu từ việc tiêu thụ các sản phẩm của “Làng thanh niên” sẽ được chi trả cho các đối tượng là thanh thiếu niên trực tiếp thực hiện. “Làng thanh niên” dự kiến khi hoàn thiện sẽ đào tạo nghề mỗi khóa khoảng 200 em học các nghề như: mộc, may, kỹ thuật viên thẩm mỹ, tin học,... đây là những em có trong hồ sơ đối tượng DAPS giai đoạn 2 mà chưa được hỗ trợ.
Khó khăn của Công ty CPCNTT Tương Lai là khi tiếp nhận DAPS giai đoạn 1 thì dự án này đã không còn nguồn kinh phí. Do đó, để duy trì hoạt động dự án, Công ty đã và đang tìm giải pháp tiếp tục duy trì hoạt động. DAPS giai đoạn 2 là dự án xã hội có trách nhiệm tìm kiếm và hỗ trợ những đối tượng thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em vươn lên số phận. Qua đây cho thấy, bước đầu Công ty CPCNTT Tương Lai đã thực hiện tốt công tác xã hội, có trách nhiệm đối với cộng đồng trong việc giúp đỡ, bảo vệ trẻ em.
H.Nghĩa