Bình đẳng giới trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình ở huyện Châu Thành

Cập nhật ngày: 15/09/2014 04:59:41

Công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (DS-CSSKSS/KHHGĐ) trong những năm gần đây ở huyện Châu Thành đã có nhiều tác động và cải thiện khá rõ nét trên các góc độ: truyền thông tư vấn; giảm sinh; nâng cao chất lượng dân số, sử dụng các biện pháp tránh thai, nhận thức về CSSKSS,... nhưng vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực DS-KHHGĐ vẫn còn nhiều bất cập. Thực tế cho thấy nam giới còn thiếu sự quan tâm và chưa thật sự chia sẽ với vợ trong việc thực hiện CSSKSS/KHHGĐ.


Buổi truyền thông dân số ở huyện Châu Thành
chỉ toàn phụ nữ tham gia

Mặc dù Điều 17 của Luật Bình đẳng giới quy định: “Nam, nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khoẻ sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế. Nam, nữ bình đẳng trong lựa chọn, quyết định sử dụng biện pháp tránh thai, biện pháp an toàn tình dục, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục”, nhưng trong thực tế, tình trạng bất bình đẳng giới trong CSSKSS hiện vẫn tồn tại với những mức độ khác nhau. Phần lớn nam giới thường quan niệm SKSS gắn liền với chuyện sinh đẻ và coi đó là chuyện riêng của người phụ nữ.

Sự bất cập về bình đẳng giới trong lĩnh vực DS/SKSS/KHHGĐ ở huyện Châu Thành thể hiện ở chỗ phụ nữ vẫn là người chủ yếu tham gia thực hiện các biện pháp tránh thai (BPTT). Nam giới chỉ thực hiện BPTT là bao cao su, xuất tinh ngoài âm đạo, còn các BPTT khác hầu hết dành cho nữ giới. Đình sản là BPTT dùng chung cho cả nam và nữ, nhưng hầu hết chỉ có nữ giới áp dụng. Cụ thể, trong năm 2013 toàn huyện có 47 ca đình sản hoàn toàn là nữ giới. Tại các buổi tuyên truyền về DS/SKSS/KHHGĐ, đa phần chỉ có nữ giới tham gia, còn nam giới rất ít chủ động tham gia bởi họ quan niệm đó là việc của chị em. Tại một số địa phương, còn không ít ban ngành, đoàn thể ít tham gia vào các hoạt động này, vì họ cho rằng thực hiện KHHGĐ là chuyện của phụ nữ.

Thực tế cho thấy, trong một số trường hợp, nam giới khi gặp vấn đề liên quan đến SKSS thường tỏ ra lo lắng và mặc cảm, tâm lý e ngại đi khám bởi họ sợ mang tiếng là bản thân có vấn đề, sợ gặp người quen, sợ nhiều người biết về khuyết tật của mình... Hơn nữa, bản thân nam giới cũng có rất nhiều vấn đề liên quan đến SKSS như: bệnh lây truyền qua đường tình dục, thiểu năng sinh dục ở nam giới, KHHGĐ... Vì vậy, nam giới cũng rất cần nhận được sự tư vấn, hỗ trợ trong lĩnh vực này, hơn nữa chính bản thân cánh “mày râu” phải quan niệm đúng đắn hơn về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của mình trong vấn đề SKSS. Ngoài ra, cần tăng cường vai trò nam giới trong việc chăm sóc và nuôi dạy con cái. Đây cũng là một biện pháp quan trọng góp phần bảo đảm tính bền vững trong công tác DS - KHHGĐ của huyện Châu Thành trong tương lai.

Ngọc Thắm

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn