Cà na - Quà quê mùa nước nổi

Cập nhật ngày: 13/09/2014 09:14:16

Không ai nhớ cây cà na có từ bao giờ, nhưng với người dân miền sông nước, cà na là người bạn gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ. Những món ăn chế biến từ trái cà na không cầu kỳ nhưng đã trở thành hương vị quê nhà gợi nhớ trong lòng những người con xa quê mỗi khi mùa nước nổi về.


Qua bàn tay khéo léo của các chị, cà na có thể chế biến thành nhiều món ngon và hấp dẫn

Hàng năm, cứ vào độ giữa mùa mưa là cây cà na lại lác đác ra bông. Bông cà na búp có màu xanh lợt, khi nở có màu trắng. Nhìn từ xa, bông cà na như những bông tuyết lấm tấm. Đến mùa nước nổi, những bông tuyết li ti ấy sẽ trở thành những chùm trái căng tròn. Trái cà na có hình bầu dục, to bằng đầu ngón tay người lớn. Trái non có màu xanh, đến lúc chín ngả sang màu vàng lợt.

Tùy vào sở thích của của người ăn mà trái cà na có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau. Nếu thích giữ nguyên hương vị của cà na, có thể ăn sống nguyên trái với muối ớt hoặc nước mắm đường. Ngoài ra, cà na có thể ngâm nước đường hoặc làm mứt ngon không thua kém các loại mứt trái cây khác. Cà na sau khi rửa sạch, dùng dao rạch vài đường từ đầu trái xuống đuôi trái, ngâm vài giờ bằng nước muối pha loãng và xả lại nhiều lần bằng nước lạnh, sau đó trộn với đường cho thấm rồi bắt lên bếp đun nhỏ lửa. Trái cà na chuyển màu, ráo đường mang ra đĩa là thưởng thức được ngay. Vị ngọt của đường hòa lẫn với vị chua thanh của trái cà na sẽ làm cho người ăn nhớ mãi.

Từ bao đời nay, cây cà na trở thành người bạn thân quen đối với người dân quê tôi. Rễ cây cà na thường bám chặt lấy nhau thành chùm nên giữ đất và có công dụng chắn sóng rất tốt. Nhờ đặt tính này nên ngoài những cây cà na mọc hoang dại ven sông người dân còn trồng thêm để chống sạt lở. Không những thế, nhờ bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị mà trái cà na cũng được chế biến thành nhiều món ngon và được các chị bày bán tại các chợ, bến phà, trường học...

Tuy nhiên, do không có hiệu quả kinh tế nên nhiều cây cà na bị đốn hạ nên hiếm dần. Ông Nguyễn Văn Út ngụ xã Định Hòa, huyện Lai Vung tâm sự: “Trước đây, cà na tới mùa chín rụng đầy cả khúc sông mà đâu có ai mua, bà con hàng xóm ai muốn ăn thì hái, còn bây giờ cà na hiếm dần, chưa tới mùa là thương lái đến đặt tiền cọc. 5 cây cà na nhà tôi tới mùa bán cũng được gần 3 triệu đồng, dù không nhiều nhưng cũng trang trải kinh tế vào mùa nước”.

Hiện cà na được thương lái mua 5 - 6 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, khi đến chợ giá cà na tăng vùn vụt: cà na sau khi chế biến ngâm nước muối đường có giá 60 - 70 nghìn đồng/kg. Chị Trần Thị Hạnh, một thương lái mua cà cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Người thành phố mê cà na quê mình lắm, thường vào khoảng tháng 7 âm lịch là họ gọi điện thoại đặt hàng. Cà na không còn trồng nhiều như xưa nữa nên hiện giờ việc gom đủ hàng như khách yêu cầu là chuyện rất khó”.

Chị Trần Thị Tuyết Vân ngụ quận 11, TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: “Dù hơn 10 năm xa quê nhưng tôi không bao giờ quên được hương vị của món cà na ngào đường của quê nhà. Mỗi năm, đến khoảng tháng 8 âm lịch tôi thường nhờ gia đình gửi cà na từ quê lên để làm mứt tặng bạn bè. Cà na không phải là món ăn đắt tiền nhưng nó thật sự là món quà đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho quê hương mình”.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn