Hoạt động của các chốt cứu hộ mùa lũ tại huyện Hồng Ngự

Cập nhật ngày: 10/09/2014 13:42:14

Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa lũ, ngay từ đầu năm 2014, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Hồng Ngự đã tăng cường củng cố các chốt cứu hộ, cứu nạn ở những nơi nguy hiểm.


Thành viên chốt cứu hộ ấp Long Bình, xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự túc trực sẵn sàng tại điểm cứu hộ.
Ảnh: MỸ XUYÊN

Toàn huyện Hồng Ngự có 34 chốt, trạm cứu hộ, 284 người trực; có 17 chốt xung yếu, với 107 tình nguyện viên và thanh niên tham gia túc trực. Hàng năm, các tình nguyện viên, thanh niên CTĐ tham gia tập huấn lớp sơ cấp cứu do Tỉnh hội phối hợp với huyện tổ chức. Ông Bùi Minh Châu - Chủ tịch Hội CTĐ huyện Hồng Ngự cho biết: “Do thời tiết, nước lũ năm nay diễn biến bất thường. Là huyện đầu nguồn nên khi nước lũ dâng cao, Hội CTĐ huyện tập trung củng cố các chốt, trạm cứu hộ nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản cho nhân dân. Ngoài ra, Hội CTĐ huyện chỉ đạo Hội CTĐ các xã theo dõi tình hình mực nước lũ, để kịp thời ứng phó”. Năm 2013, một số chốt, trạm đã cứu một số trường hợp như: chốt xã Thường Lạc cứu được 12 người và 1 xuồng; chốt xã Thường Thới Hậu A cứu được 4 người,...

Bên cạnh củng cố về nhân lực, trang bị phương tiện, vật lực tại các chốt cứu hộ, Hội CTĐ huyện thường xuyên triển khai, tuyên truyền và thông tin trên Đài truyền thanh về tình hình mưa lũ, những nơi nguy hiểm để bà con biết và đi lại cẩn thận hơn.

Tại xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự có 3 chốt cứu hộ được đặt tại ấp Long Bình, Long Thái, Long Châu - nơi có bến đò ngang, người dân và phương tiện xuồng ghe qua lại thường xuyên có thể xảy ra nguy hiểm. Mỗi điểm cứu hộ được trang bị 5 đến 10 áo phao, phao cứu sinh, dây văng, thùng, can nhựa... Các tình nguyện viên cứu hộ thường xuyên túc trực tại các chốt cứu hộ. Hàng năm, Hội CTĐ xã Long Khánh B xây dựng kế hoạch cứu hộ và chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn 1 từ tháng 1 đến tháng 3 là giai đoạn củng cố, kiện toàn về con người, phương tiện, tập huấn cho các tình nguyện viên; giai đoạn 2 từ tháng 4 đến tháng 9 (giai đoạn trong lũ) thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ (“chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”) và giai đoạn 3 từ tháng 10 đến cuối năm, khảo sát tình hình thực tế người dân sau lũ để có bước giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần. Anh Huỳnh Văn Đém - ấp Long Bình, nói : “Tôi tham gia điểm cứu hộ này được 3 năm. Được giúp đỡ người dân trong lúc nguy cấp tôi thấy rất vui vì mình làm được việc có ý nghĩa”. Còn chú Vương Tấn Dước - ấp Long Thái, chia sẻ: “Trước đây tôi làm ở bệnh viện, từ khi về hưu đến nay tôi tham gia vào các điểm cứu hộ trong mùa lũ để giúp đỡ người dân”.

Đội cứu hộ ấp Trà Đư, xã Thường Lạc được thành lập từ năm 2010 với 12 thành viên. Đây đều là người dân địa phương, hoàn cảnh kinh tế gia đình cũng còn nhiều khó khăn. Mỗi người ngoài việc tham gia cứu hộ cứu nạn tại đội còn phải dành thời gian đi giăng câu, giăng lưới kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình nhưng đều tích cực hoạt động với tinh thần vì cộng đồng. Đội cứu hộ ấp Trà Đư được đặt tại ngã 3 sông Trà Đư - khu vực được xem là điểm nóng hàng năm đều có xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường thủy. Chỉ tính riêng trong mùa lũ năm 2013, nơi đây đã xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông và đều được đội cứu hộ kịp thời ứng cứu nên không gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của người gặp tai nạn.

“Hiện tại chưa có quy định về chế độ đãi ngộ đối với hoạt động của các chốt, đội cứu hộ cứu nạn, mọi hoạt động đều xuất phát trên tinh thần tự nguyện. Chế độ đãi ngộ cho các thành viên đều do các cấp Hội CTĐ địa phương linh hoạt hỗ trợ từ các nguồn vận động các mạnh thường quân đóng góp” - ông Bùi Minh Châu, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Hồng Ngự nói.

Mỹ Xuyên - Minh Thi

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn