Cà phê vườn: Tiềm ẩn tệ nạn xã hội

Cập nhật ngày: 08/03/2013 10:57:47

Cà phê vườn là dịch vụ kinh doanh giải khát tồn tại hơn 10 năm nay. Có nhiều quán cà phê vườn biến tướng thành nhiều kiểu khác nhau, là nơi tiềm ẩn các loại tệ nạn xã hội.

Trong khu vực nội ô TP.Cao Lãnh, có nhiều quán cà phê vườn nằm phía trong tuyến đường Tôn Đức Thắng, phường 1. Biết tôi muốn tìm hiểu, chị V., một người trước đây từng kinh doanh loại hình này nói: Giờ người ta làm hiện đại lắm, có giường làm ghế nằm, có quạt... Nói chung là hốt bạc.


Khuôn viên cà phê vườn tại phường 1, TP. Cao Lãnh

12 giờ trưa, chúng tôi rẽ vào con đường nằm song song với đường Tôn Đức Thắng. Một đoạn đường chỉ khoảng 100m nhưng có đến 3 quán cà phê vườn. Ghé vào quán cà phê rậm rạp có tên T.H, chúng tôi thấy có 20 nhà chòi. Hình như người vào uống cà phê sợ gặp người quen nên đậu xe quay biển số vào trong. Mỗi căn chòi nhỏ được chủ quán để chiếc ghế đá dài, giăng một chiếc võng, trên trần có một máy quạt và một bóng đèn nhỏ.

Vào chưa đến 5 phút, chị chủ quán đi vào hỏi uống gì. Anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi nói khẽ "cho một ly cà phê". Vừa nghe xong, chị chủ quán tỏ vẻ khó chịu vì hai người mà uống có một ly. Gần 10 phút sau, chị chủ quán mang ra 2 ly cà phê, 2 viên kẹo Chewing Gum Cool Air, 2 khăn lạnh và biến mất. Anh bạn đi cùng giả vờ theo hỏi: "Chị ơi, ở đây công an có kiểm tra hông?". Chị ta khoát tay: "Yên tâm đi, làm gì có".

Chúng tôi đến khóm Mỹ Long, phường 3, nơi được xem là có các địa chỉ quen thuộc của nhiều người đến từ các huyện lân cận muốn ghé nghỉ trưa, hú hí với người yêu. Khá kín đáo với mái tôn che kín toàn bộ phần bên ngoài, quán V.X trở nên biệt lập, quầy nước được khéo léo bố trí ngay lối ra vào.

Anh bạn đi cùng tôi kêu 2 ly chanh muối, trả tiền 35.000 đồng. Chủ quán nơi đây còn bán luôn cả bao cao su khi khách hỏi, kèm theo câu nói tự tin: "Trước giờ ai đâu mà kiểm tra, đảm bảo, yên tâm thoải mái đi hén".

Căn chòi bé xíu được che tạm bợ bằng những miếng vải đỏ cũ kỹ, cáu bẩn. Che kín nơi phần cửa ra vào cũng là tấm vải đỏ đã "thâm kim". Dấu hiệu cho biết bên trong có người là phần màn đỏ sập xuống, cột chặt hai bên. Hơn 30 phút có mặt trong quán cà phê này, chúng tôi tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của người lạ nào bén mảng, chỉ có người chạy bàn, bưng nước ra, lấy tiền và biến mất.

Rời khu vực này, cách đó chúng tôi vẫn thấy thấp thoáng những bảng hiệu quán cà phê sân vườn, ẩn sâu vào bên trong là những căn chòi nhỏ, có những căn chòi được xây bằng gạch ống sơ sài.

Cà phê vườn là một dịch vụ kinh doanh giải khát không mới, hơn 10 năm qua chúng tồn tại và phát triển với nhiều kiểu biến tướng khác nhau. Một số điểm cà phê vườn tại huyện Cao Lãnh, chủ quán còn đảm nhận luôn phần chế biến thức ăn, đồ uống mang đến tận tum, phục vụ nhiệt tình cho khách khi có nhu cầu.

Đây được xem là hình thức kinh doanh mang lại lợi nhuận khá cao, giá nước uống cho mỗi cặp "tình nhân" khoảng từ 35.000 - 40.000 đồng. Chính vì điều kiện lý tưởng, địa thế kín đáo, riêng biệt đã trở thành loại hình tiềm ẩn các nguy cơ tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm...

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Thiếu tá Trần Thanh Phong - Trưởng Công an phường 3, TP.Cao Lãnh cho biết: "Hiện tại khóm Mỹ Long, khóm Mỹ Hưng có 5 quán cà phê sân vườn, hoạt động khá lâu, khách đến quán chủ yếu là người trong độ tuổi thanh thiếu niên, học sinh. Dù đã có phối hợp kiểm tra với Đội 814 của phường nhưng chúng tôi vẫn chưa xử lý, chỉ nhắc nhở chủ quán.

Một số quán cà phê vườn là mầm mống dẫn đến các loại tệ nạn ma túy, mại dâm. Cái khó cho cơ quan quản lý, kiểm tra chính là những quy định chưa cụ thể xử phạt đối với loại hình kinh doanh này...".

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn