Các nhóm nguyên nhân trẻ em chết đuối

Cập nhật ngày: 07/09/2018 10:12:42

ĐTO - Tỉnh đã triển khai chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em (TE) từ nhiều năm qua. Các ngành, các cấp cũng có nhiều kế hoạch hoạt động nhằm phòng ngừa tai nạn đuối nước TE. Tuy nhiên, tình hình tai nạn, thương tích ở TE trong tỉnh vẫn còn cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TE bị đuối nước, trong đó có một số nhóm nguyên nhân cơ bản.


Dạy bơi cho trẻ để phòng tránh đuối nước. Ảnh: Thành Nguyễn

Đồng Tháp có hệ thống sông ngòi chằng chịt, có nhiều đồng lúa, vườn cây ăn trái, nơi nuôi trồng thủy sản... Có thể nói, mọi người ra khỏi cổng nhà là thấy ngay ao, hồ, sông, rạch... Đa phần hộ dân nông thôn ở theo sông, rạch, sinh sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông - thủy sản. Với điều kiện tự nhiên như vậy thì nguy cơ đuối nước TE rất dễ xảy ra. Trong giai đoạn 2013 – 2017 và 5 tháng đầu năm 208 có 231 TE bị chết đuối. Trong đó, có 164 em dưới 6 tuổi (chiếm 61%). TE bị đuối nước xảy ra đều ở các tháng trong năm, nhiều nhất là ở nông thôn.

Chủ quan, thiếu sự quan tâm, giám sát của người lớn trong gia đình là nguyên nhân sâu xa và cốt lõi nhất dẫn đến TE bị chết đuối. Nhiều gia đình, nhất là ở nông thôn chưa thật sự quan tâm trong việc phòng ngừa TE đuối nước, xung quanh nhà không có hàng rào; lu, hũ để trong nhà không có nắp đậy; không cung cấp kiến thức, kỹ năng cho trẻ để biết phòng đuối nước khi tắm sông, đùa giỡn hoặc đến chơi gần các hồ, bờ sông, công trình xây dựng... Gia đình nghèo, khó khăn nên cha mẹ mãi lo công việc, đi làm thuê để TE ở nhà một mình hay nhờ ông, bà hoặc để trẻ lớn hơn trông giữ. Trong dịp nghỉ hè, các em tham gia phụ giúp gia đình những công việc của người lớn như: làm đồng, chăn nuôi, đi bắt cá...

Trẻ thiếu các kỹ năng an toàn cũng là nguyên nhân chính dẫn đến trẻ bị đuối nước, kể cả trẻ biết bơi. TE luôn hiếu động, tò mò, thích khám phá, dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè, khó kiềm chế... trong khi đó, xung quanh gia đình và cộng đồng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn đuối nước cho TE, nhưng đa phần trẻ không được dạy các kỹ năng an toàn trong môi trường sống, an toàn trong môi trường dưới nước, biết cách xử lý tình huống khi té ngã xuống nước hoặc biết cách cứu đuối.

Nhóm nguyên nhân tiếp theo là việc chỉ đạo tuyên truyền, giám sát của Đảng ủy, UBND cấp xã chưa thường xuyên, chưa tập trung đồng bộ. Ban bảo vệ TE cấp xã có nơi không duy trì họp định kỳ nên việc chỉ đạo chưa sâu sát, lĩnh vực TE chưa được quan tâm đúng mức.

Công tác tuyên truyền của các tổ chức, đoàn thể, nhà trường chưa tập trung sâu rộng đến tận gia đình trong cộng đồng dân cư; lực lượng tuyên truyền viên còn hạn chế kỹ năng; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa mang tính thuyết phục, chưa đánh động, cảnh báo cao để mọi người dân quan tâm, nhất là ở vùng nông thôn. Nhân viên y tế khóm, ấp mới được giao kiêm thêm nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc TE nên việc quản lý chưa sâu sát địa bàn, chưa thường xuyên vãng gia tuyên truyền vận động đến hộ gia đình trong việc bảo vệ, chăm sóc TE.

Môi trường sống xung quanh trẻ thiếu an toàn cũng là nguyên nhân đáng quan tâm. Tại các công trình xây dựng, thủy lợi, hồ nước sâu... không có rào chắn, nắp đậy; nhiều vùng ao, hồ, sông, rạch nguy hiểm chưa có rào chắn, gắn biển cảnh báo, biển cấm kịp thời, đảm bảo an toàn, thiếu tinh thần trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan (khi xảy ra tai nạn thì mới khắc phục). Những nơi này thường xa khu dân cư, ít người qua lại, khi trẻ bị nguy hiểm thì không có sự trợ giúp kịp thời.

Những khó khăn cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng TE đuối nước, đó là: Gia đình nghèo, khó khăn phải lo cuộc sống nên có người ít có điều kiện quan tâm đến con; thu nhập gia đình hạn chế nên không có điều kiện gửi trẻ vào điểm giữ trẻ và cơ sở giáo dục mầm non. Số lượng các cơ sở giáo dục mầm non, điểm giữ trẻ ở cộng đồng còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu về số lượng TE trên địa bàn.

Việc dạy bơi cũng như đầu tư hồ bơi chưa đáp ứng được nhu cầu cho TE trên từng địa bàn; chưa triển khai sâu rộng môn bơi vào chương trình giảng dạy chính khóa và ngoại khóa cho học sinh Tiểu học và THCS so với qui mô trường lớp nên tỷ lệ TE biết bơi còn thấp. Kinh phí đầu tư cho công tác tuyên truyền về phòng, chống đuối nước ở TE còn quá ít, nhất là tuyên truyền ở cộng đồng, đến hộ gia đình có TE, chủ yếu lồng ghép.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn