Cần sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm ở các bãi rác

Cập nhật ngày: 11/11/2013 04:26:20

Thời gian qua, nhiều bà con sống gần khu vực bãi rác Đập Đá ở huyện Cao Lãnh và bãi rác Sa Đéc của TP. Sa Đéc bày tỏ sự bức xúc và lo ngại về tình trạng ô nhiễm nguồn nước cũng như mùi hôi thối, ruồi nhặng từ bãi rác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của người dân sinh sống quanh khu vực này.


Bãi rác Đập Đá hằng ngày phải tiếp nhận một khối lượng rác
“khổng lồ” từ TP.Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh

Theo quy hoạch của UBND tỉnh, bãi rác Đập Đá được thiết kế trên diện tích 25ha, nằm trên địa bàn xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, do Công ty TNHH MTV Cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp quản lý. Trung bình mỗi ngày, bãi rác tiếp nhận khoảng 113 tấn rác từ TP.Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh. Thế nhưng, hiện tại bãi rác chỉ có 2 hồ chứa nước rỉ rác với tổng thể tích chứa khoảng 22 nghìn m3. Do không có hệ thống xử lý nước rỉ rác nên vào mùa mưa, một lượng lớn nước rỉ rác từ bãi rác Đập Đá chảy tràn ra các khu vực xung quanh và đổ xuống kinh Mương Trâu, chảy vào kinh Thầy Cắt... làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân thuộc ấp 1 và ấp 4, xã Mỹ Thọ. Theo kết quả quan trắc định kì tại bãi rác của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tất cả các vị trí quan trắc nước mặt của khu vực này đều không đạt tiêu chuẩn quy chuẩn môi trường.

Thời gian qua, nhiều người dân còn tỏ ra lo ngại trước tình trạng nhân viên của bãi rác bơm xả nước thải từ bãi rác trực tiếp ra hệ thống kinh - sông nội địa làm nguồn nước mặt bị ô nhiễm trầm trọng, cũng như mạch nước ngầm của nơi này đang đặt trước tình trạng báo động về khả năng ô nhiễm. Ông Nguyễn Văn Ê (SN 1958) ngụ ấp 4, xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh bày tỏ bức xúc: “Người dân ở đây chủ yếu sử dụng nước sông dùng trong ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Nhưng bây giờ, nước đen xì, không biết sử dụng hằng ngày có mắc bệnh nguy hiểm nào không”.


Nước rỉ rác của bãi rác Sa Đéc được xử lý qua các hồ xử lý
hóa học và sinh học

Ông Đoàn Minh Tiến - Phó Chủ tịch xã Mỹ Thọ cho biết thêm: “Tình trạng ô nhiễm của bãi rác Đập Đá và việc thải nước rỉ rác ra môi trường bên ngoài đã ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân nơi đây trong thời gian qua. Dù nhiều lần đoàn kiểm tra của Sở TN&MT về lấy mẫu kiểm tra nhưng đến nay vẫn chưa thể khắc phục được. UBND xã kiến nghị UBND tỉnh sớm kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác đúng qui trình cũng như đề nghị nhân viên ở bãi rác không bơm nước thải từ bãi rác ra sông làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt và sức khỏe của người dân”.

Bãi rác Sa Đéc được qui hoạch trên tổng diện tích 12,5ha, nằm gần Quốc lộ 80, thuộc địa phận ấp Phú Long, xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc. Doanh nghiệp trực tiếp quản lý bãi rác là Chi nhánh Dowasen Xí nghiệp Dịch vụ môi trường đô thị, trực thuộc Công ty TNHH MTV Cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp. Trung bình mỗi ngày bãi rác này tiếp nhận khoảng 54 tấn rác từ TP. Sa Đéc. Hiện tại, cách xử lí chất thải rắn của bãi rác chủ yếu bằng hình thức chôn lấp. Đối với chất thải lỏng, chủ yếu là nước rỉ rác thì bãi rác Sa Đéc có hệ thống các hồ xử lí nước thải với tổng diện tích 1.600m2, bao gồm các hồ xử lý hóa chất và ao lắng sinh học. Công suất xử lí 250m3/ngày, đảm bảo xử lý các tạp chất tương đối trước khi thải ra môi trường bên ngoài.

Tuy nhiên, nhược điểm và khó khăn lớn nhất của bãi rác Sa Đéc là nằm rất gần khu vực dân cư, nên người dân sinh sống ở khu vực này không tránh được ảnh hưởng ô nhiễm từ bãi rác. Ông Lê Văn Lang (SN 1950), một chủ tiệm kinh doanh dịch vụ ăn uống ở gần khu vực bãi rác, than: “Những tháng nắng còn buôn bán được, nhưng bắt đầu mùa mưa ruồi nhặng từ bãi rác bay vào, khách hàng họ thấy mà sợ, không ai dám ghé...”.

Trả lời về vấn đề trên, bà Trần Thị Thúy - Phó Giám đốc Chi nhánh Dowasen Xí nghiệp Dịch vụ môi trường đô thị cho biết: “Công ty đã tiến hành sử dụng nhiều biện pháp xử lí và hạn chế ô nhiễm ảnh hưởng tới người dân. Cụ thể: phun xịt các loại hóa chất khử mùi, diệt côn trùng trung bình 3 lần/ngày. Tuy nhiên, đối với những tháng mưa dầm, hiệu quả của những chế phẩm xử lý này bị giảm đi rất nhiều nên các biện pháp không phát huy tối đa”.

Trao đổi về hướng khắc phục tình trạng ô nhiễm ở 2 bãi rác trên, ông Phan Đình Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp cho biết: “Công ty đã xây dựng nhiều phương án thực tế để cải thiện và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường ở 2 bãi rác trên. Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề huy động vốn để hoàn thành công trình. Hiện tại bãi rác Đập Đá đang tạm ngưng triển khai xây dựng theo hồ sơ thiết kế do không có nguồn vốn đầu tư. Trong thời gian tới, Công ty sẽ đề ra những biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm môi trường từ bãi rác và không để tình trạng bơm nước thải từ bãi rác ra môi trường bên ngoài tiếp diễn. Sắp tới, Công ty sẽ cho làm thêm các ô chứa rác mới, xây dựng thêm những hồ chứa nước rỉ rác, trạm xử lý nước rỉ rác và lò đốt... Về phương hướng lâu dài, Công ty đề nghị UBND tỉnh tìm kiếm nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đây là phương án giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như đem lại nhiều lợi ích xã hội”.

Minh Nhật

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn