Cảnh báo tai nạn lao động

Cập nhật ngày: 07/05/2014 06:20:27

Tính từ đầu tháng 3/2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ tai nạn lao động làm chết người mà nguyên nhân chủ yếu là do bất cẩn trong quá trình lao động, trong đó, huyện Lai Vung đã xảy ra 3 vụ tai nạn lao động làm chết 2 người.


Hiện trường vụ tai nạn lao động xảy ra tại xã Thường Phước 1

Vào ngày 24/3/2014, anh Lê Chí Thanh làm thuê cho một cơ sở sản xuất củi trấu ép tại ấp Long Định, xã Long Thắng. Trong lúc làm việc tại khu vực ép trấu, anh chạm vào khung sắt có lắp mô tưa và bị điện giật gây tử vong... Hoặc vào lúc 15 giờ 30 phút, ngày 12/3/2014, tại ấp Định Mỹ, xã Định Hòa, huyện Lai Vung, anh Trần Văn Tương (SN 1969) ngụ địa phương, đang đào đất thuê để đặt ống thoát nước, do bất cẩn bị khối đất trên bờ sụp xuống đè ngạt thở chết.

Mặc dù qua công tác kiểm tra liên ngành, các cơ quan chức năng đánh giá hầu hết các hộ, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) như: triển khai luật lao động, công tác ATVSLĐ, làm các khẩu hiệu tuyên truyền trực quan cho người lao động, xây dựng nội quy lao động, nội quy vận hành, thao tác sử dụng máy móc, trang bị bảo hộ lao động (BHLĐ) cho người lao động như: nón, khẩu trang, ủng, găng tay... Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng mất an toàn lao động xảy ra do một số người lao động vẫn chưa có ý thức hết việc ATVSLĐ, BHLĐ, chưa quen sử dụng các loại dụng cụ BHLĐ do nóng, ngột ngạt, chậm trong các thao tác lao động.

Từ thực trạng trên, Công an cùng các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến người sử dụng lao động và người lao động ở các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã trong sản xuất nông lâm ngư nghiệp chấp hành đúng các quy định về lao động, BHLĐ nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người sử dụng lao động và xã hội trong công tác ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động, nơi làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động. Đặc biệt là các doanh nghiệp có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.

Qua kiểm tra vẫn còn một vài doanh nghiệp có trang bị thiết bị, công cụ bảo hộ cho người lao động, nhưng công tác nhắc nhở người lao động sử dụng các loại BHLĐ chưa thường xuyên. Để khắc phục tình trạng này và giảm số vụ tai nạn lao động trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lai Vung cho biết: “Đoàn liên ngành tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, tiếp tục nhắc nhở, lập biên bản, cho cam kết và thời gian khắc phục nếu đơn vị doanh nghiệp chưa chấp hành thực hiện tốt công tác ATVSLĐ. Nếu nhắc nhỡ 1,2 lần mà người sử dụng lao động vẫn chưa thực hiện thì kiên quyết xử lý theo luật”.

Thời gian tới Công an huyện chủ động phối hợp Viện kiểm sát, ngành LĐ,TB&XH giải quyết các vụ tai nạn lao động làm chết người; tập trung tuyên truyền và xử lý nghiêm đối với những người sử dụng lao động không tôn trọng các quy định; xuống tận cơ sở tuyên truyền cho các doanh nghiệp, các cơ sở thuê mướn lao động cũng như người lao động để họ thấy được quyền lợi, những nội quy qui định về bảo vệ người lao động. Đối với người lao động được thuê mướn làm theo ngày, tuần. Đặc biệt, những người lao động được thuê làm vườn, đào đất, hơn ai hết chủ vườn, chủ đất nên chủ động phòng ngừa tai nạn cho người lao động để tránh những tai nạn đáng tiếc như các trường hợp nêu trên.

Ngọc Hân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn