Chinh phục Mũi Đôi - cực Đông Tổ quốc

Cập nhật ngày: 01/12/2014 13:24:47

Địa danh Mũi Đôi thuộc làng chài Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Hơn 13 cây số đầy thử thách vượt qua bao đồi núi, băng rừng, ghềnh đá là đoạn đường để chúng tôi chinh phục địa danh này - điểm cực Đông trên đất liền của Việt Nam, nơi nhận ánh nắng đầu tiên trên đất liền của Tổ quốc.


Phong cảnh tuyệt đẹp tại điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc

Vượt đồi cát

Khởi hành từ TP.Cao Lãnh bằng xe ô tô, hơn nửa ngày vượt qua đoạn đường trên 400 cây số, chúng tôi đến Đầm Môn. Còn không bao xa nữa là đến được nơi nhận ánh nắng đầu tiên trên đất liền của Tổ quốc nên các thành viên trong đoàn ai cũng háo hức. Và, chúng tôi quyết định không đi bằng đường thủy mà thực hiện chuyến đi “phượt” bằng đường bộ dẫu biết trước mắt là đoạn đường lắm gian nan.

Để đến được Mũi Đôi, nhiều thành viên trong đoàn đã đi bộ băng qua các đồi cát đến bãi Cỏ Ống với đoạn đường gần 7 cây số. Đường mòn hiểm trở, những ai không bền chí có thể bỏ cuộc nửa chừng bởi suốt từng cây số ấy, các đồi cát cao thấp như thử thách lòng người. Dù có vài xe gắn máy đón rước chúng tôi nhưng là đường cát, nằm trên đồi núi, do hôm trước trời mưa nên có nhiều đoạn cát bị nước xoáy sâu khiến đường bị cắt, xe máy không thể đi được. Một số thành viên trong đoàn lên xe máy đi được một đoạn đường ngắn, nhưng cả “bác tài” và nhà báo đều thấp thỏm vì có những đoạn đường mòn chỉ vừa một chiếc xe gắn máy chạy qua, một bên là vách núi, một bên là vực sâu.

Tuy nhiên, mọi sự mệt mỏi của từng người gần như tan biến vì phong cảnh nơi đây hết sức lôi cuốn bởi mênh mong màu xanh nước biển, mây trời và những mỏm đá với những hình thù kỳ thú. Vậy là các hội viên, nhà báo chia thành từng nhóm chọn góc độ chụp hình, quay phim ghi lại từng khoảnh khắc đáng nhớ của chuyến đi này.


Các thành viên trong đoàn băng rừng đến Mũi Đôi

Chinh phục Mũi Đôi

Chúng tôi đến được bãi Cỏ Ống thì trời đã quá trưa. Sau khi ăn vội bữa cơm tại căn lều của chú Ba Thanh - gia đình duy nhất sống tại bãi Cỏ Ống, 8 hội viên, nhà báo và anh Tự - hướng dẫn viên du lịch xung phong chinh phục Mũi Đôi - đã được chú Ba Thanh tổ chức họp nhanh phía trước căn lều để cung cấp một số thông tin và một số điều cần lưu ý như: để đến được Mũi Đôi, phải đi bộ 6,5 cây số, trong đó vượt rừng, qua 3 đồi, 2 ghềnh đá, cả đi và về mất khoảng 6 tiếng đồng hồ... Một giờ trưa, chúng tôi bắt đầu cho cuộc hành trình đầy thử thách với một túi gọn, trong đó là áo mưa, 4 chai nước suối và dụng cụ tác nghiệp.

Trên hành trình, chúng tôi cũng dầm vài cơn mưa miền Trung bất chợt kéo đến. Chúng tôi băng qua rừng bằng lối hẹp và tối, phía trên đầu và 2 bên, các nhánh cây “chỉa” tứ hướng. Chúng tôi đi phía trước thì phía sau muỗi bay theo thành đàn. May mà trước khi bắt đầu cuộc hành trình, chúng tôi đã thoa thuốc chống muỗi. Lúc đầu ai cũng sải những bước chân không biết mệt. Đi được khoảng 10 phút, 2 thành viên trong đoàn do sức khỏe yếu đành quay trở về bãi Cỏ Ống. Các thành viên còn lại tiếp tục cuộc hành trình. Quả thật đoạn đường chinh phục Mũi Đôi lắm gian nan. Chỉ mới qua được một đồi mà anh em đã mệt lả, tìm nơi cao thoáng ngồi nghỉ và tranh thủ trò chuyện với chú Ba Thanh. Ở tuổi 55, băng qua 1 quả đồi nhưng chú không đổ một giọt mồ hôi, nói cười sảng khoái. Có lẽ chú đã quen sống cảnh núi rừng, thường xuyên đi lại nên không biết mệt. Sợ trời tối, đi đường rừng nguy hiểm, chú hối thúc chúng tôi nhanh chân. Chúng tôi đứng dậy tiếp tục cuộc hành trình được vài bước thì phát hiện một con rắn nằm án ngữ phía trước. Nhanh nhẹn, chú Ba Thanh ra hiệu bảo chúng tôi dừng lại, rồi chú dùng cây đuổi rắn đi nơi khác. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Trên đường băng rừng, bên tai nghe tiếng kêu kéo dài rất lạ của nhiều con vật cũng hơi rợn người. Đi được nửa chặng đường, nhà báo Phú Thuận chợt giật mình lùi lại. Thì ra anh nhìn thấy vật to, đen phía trước tưởng là có gấu xuất hiện nhưng nhìn kỹ lại là chiếc phuy sắt và kề bên đó là một chiếc lư hương còn cắm những chân nhang thờ cúng!


Các nhà báo Báo Đồng Tháp chinh phục được Mũi Đôi

Trong suốt chuyến đi chinh phục Mũi Đôi, do mỏi mệt, nhiều người trong đoàn phải tìm cây trong rừng làm “chiếc chân thứ ba” để đi cho thuận tiện. Mồ hôi vã ra như tắm, ai nấy đều khát nước. Mang theo bao nhiêu nước uống mà cũng không đủ, chú Ba Thanh đã dùng 2 cọng ống hút đưa vào khe đá lấy nước suối bên đường cho anh em uống. Vượt qua ba ngọn đồi, chúng tôi đến được ghềnh đá đầu tiên với khung cảnh mênh mông của biển cả, kèm theo âm thanh của gió và rì rầm của sóng. Gặp được ghềnh đá, các thành viên trong đoàn mừng rỡ, thay nhau hỏi chú Ba Thanh đến nơi chưa, chú bảo sắp tới rồi nhưng nhiều lần “sắp tới” của chú mà đích đến vẫn chưa thấy đâu. Khi vừa ra khỏi rừng, chứng kiến ghềnh đá cheo leo, phía dưới là vực sâu đầy nguy hiểm, anh bạn nhà báo đi cùng thú nhận: “Mình thấy đầy trải nghiệm. Đây là chuyến đi mạo hiểm nhất từ trước đến nay đối với tôi vì tôi rất sợ vực sâu, nhưng ở đây phía dưới toàn là những tảng đá nữa chứ”.

Chúng tôi chia thành từng tốp giúp nhau vượt ghềnh, hai tay cảm thấy rã rời và chân mỏi mệt. Có những đoạn chui qua những tảng đá vắt ngang, chỉ còn lại lỗ vừa thân người. Có đoạn phải phóng từ tảng đá này qua tảng đá kia và men theo sườn đá treo lơ lửng để qua. Thu Truyền là người nữ duy nhất đi cùng đoàn và cũng là nữ phóng viên đầu tiên của Đồng Tháp đã vượt qua bao vất vả, nguy hiểm để đặt chân lên được Mũi Đôi cực Đông của Tổ quốc. Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được phiến đá to, tương đối bằng phẳng ở Mũi Đôi, cùng nhau vươn lá cờ Tổ quốc, lòng lâng lâng khó tả và cùng hô to: “Chúng tôi đã đến Mũi Đôi, chinh phục được điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc!”. Trước mắt chúng tôi, xa xa là Hòn Đầu và biển cả...

Trên đường trở về, dù mỏi mệt nhưng hình ảnh về vùng biển tươi đẹp của miền Trung thân yêu và cả những giây phút lắng lòng nghe từng đợt sóng vỗ vào nơi nhận ánh nắng đầu tiên trên đất liền của Tổ quốc, khiến chúng tôi cảm thấy ấm áp, nhẹ nhàng đến lạ.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn