Huyện Cao Lãnh

Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa mưa lũ

Cập nhật ngày: 05/08/2016 13:45:09

ĐTO - Đảm bảo sức khỏe cho người dân trước những dịch bệnh nguy hiểm có thể phát sinh trong mùa mưa lũ, ngay từ đầu mùa mưa, huyện Cao Lãnh đã lên kế hoạch và triển khai các giải pháp chủ động phòng, chống, hạn chế thấp nhất nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn.


Đoàn thanh niên đến nhà phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cho người dân

Ông Trương Quốc Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cao Lãnh cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã có 463 ca mắc sốt xuất huyết và 303 ca mắc tay chân miệng (phân bố rải rác trên nhiều địa bàn). Dù chưa xuất hiện ổ dịch lớn và chưa có bệnh nhân tử vong nhưng huyện đang là địa phương đứng thứ 2 (sau TP.Cao Lãnh) về số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng.

Hiện đang bước vào mùa mưa bão với hình thái thời tiết thường xuyên có mưa giông lớn, độ ẩm cao, là điều kiện thuận lợi cho 2 dịch bệnh này và nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác như: viêm não Nhật Bản, sốt rét, bệnh về đường tiêu hóa,... phát sinh, phát triển, đặc biệt nguy cơ cao là vào thời điểm mưa lũ tháng 9 - 10. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ, ngành y tế huyện tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống.

Tập trung cho công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh vào thời điểm trước và bắt đầu mùa mưa lũ, hiện 18 trạm y tế của 18 xã, thị trấn trên địa bàn đã được trang bị ti vi và ổ cứng thu sẵn những kiến thức, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh để phục vụ công tác tuyên truyền cho từng địa phương. Bên cạnh đó, ngành y tế, Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân,... các cấp trên địa bàn cũng đã phối hợp tổ chức hoặc lồng ghép tuyên truyền nội dung phòng, chống dịch bệnh tới người dân qua các cuộc họp tổ, nhóm; tổ chức các đoàn đến tận nhà dân phát tờ rơi tuyên truyền, cùng người dân dọn dẹp ao tù, nước đọng, phát quang bụi rậm;... đồng thời củng cố lại các tổ cơ động phòng, chống dịch và phòng, chống thiên tai; chuẩn bị thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng, chống dịch; có kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt, cuối tháng 8, huyện sẽ mở chiến dịch diệt lăng quăng và vận động người dân rửa tay bằng xà phòng, quy mô lớn toàn huyện.

Khi có lụt bão xảy ra, các đơn vị sẽ cử cán bộ y tế xuống địa phương để chỉ đạo công tác vệ sinh phòng dịch bệnh; duy trì lực lượng y tế tăng cường thường trực tại các địa phương bị ảnh hưởng cho đến khi tình hình ổn định. Các cơ sở điều trị chuẩn bị sẵn sàng cho cấp cứu, điều trị khi dịch bệnh bùng phát trên địa bàn, đồng thời khoanh vùng và tiến hành phun hóa chất khử trùng môi trường trên địa bàn xảy ra ổ dịch trong phạm vi bán kính 200m; chỉ đạo nhân viên y tế các xã, thị trấn theo dõi và giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện và xử lý nhanh chóng, triệt để khi địa phương xảy ra ổ dịch.

Đặc biệt sau bão lũ, dịch bệnh dễ phát sinh và bùng phát, do vậy bên cạnh công tác tuyên truyền, các cơ sở y tế sẽ tăng cường biện pháp phòng các bệnh thường gặp sau mưa lũ như: tiêu chảy, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, tả, lỵ, thương hàn...; tiếp tục thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước và ngay tại hộ gia đình; chủ động xử lý triệt để khi có ngộ độc thực phẩm, xử lý ổ dịch phát sinh sau bão lụt, không để dịch bệnh lan rộng.

Theo bác sĩ Trương Quốc Dũng: “Để không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trong mùa mưa bão, bên cạnh sự nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng, người dân cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh để tự bảo vệ sức khỏe của bản thân như: thường xuyên diệt lăng quăng, dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, khu vực quanh nhà thông thoáng; ngủ phải có mùng; thực hiện ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà bông trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh;... đặc biệt, sau những trận mưa lớn cần thực hiện các biện pháp làm sạch nguồn nước bằng phèn chua, khử trùng bằng viên nén lọc nước và hóa chất xử lý nước;...”.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn