Chủ động phòng tránh các tai nạn thường gặp trong mùa mưa bão

Cập nhật ngày: 28/07/2018 06:38:39

ĐTO - Công tác phòng, chống thiên tai luôn được các cấp, các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, hàng năm, trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra nhiều sự cố, tai nạn thương tâm vào mùa mưa bão. Đồng Tháp cũng như cả nước đã chính thức bước vào mùa mưa, người dân cần chủ động phòng tránh, hạn chế thấp nhất các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.


Dạy bơi cho trẻ là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh đuối nước

Chủ động trước “Thủy thần”

Mỗi năm, Đồng Tháp có trung bình 45 trẻ em (TE) tử vong do đuối nước. Các vụ đuối nước tập trung chủ yếu vào những tháng cuối năm (mùa mưa bão). Bởi, Đồng Tháp là địa phương có nhiều ao, hồ, sông, rạch, mùa mưa bão thường làm cho nước sông, ao, hồ dâng cao, chảy xiết, làm thay đổi dòng chảy bình thường nên khi qua lại các khu vực này rất dễ bị tai nạn. Theo số liệu thống kê của Phòng Chăm sóc và Bảo vệ TE (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ đuối nước. Nạn nhân gần đây nhất là bé Huỳnh Quốc Q. (11 tuổi, ngụ xã Tân Phước, huyện Lai Vung), trong lúc rửa trái cây ở bờ sông bị té ngã xuống nước, khi người nhà phát hiện, em đã tử vong. Song, xót xa nhất là trường hợp gia đình anh Trần Văn Lam (ngụ TX.Hồng Ngự), trong cùng 1 ngày, cả 3 đứa con của anh gồm 2 bé gái và 1 bé trai ra sông chơi rồi bị chết đuối.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, các tháng đầu mùa có khả năng lượng mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm. Mực nước tại các nơi trong tỉnh sẽ tăng dần từ đầu tháng 6 do ảnh hưởng kết hợp của triều cường biển Đông và lượng nước từ thượng nguồn đổ về, trong tháng 7 sẽ có vài đợt nước lên nhanh tại khu vực đầu nguồn của tỉnh. Đỉnh lũ cao nhất năm tại khu vực đầu nguồn xuất hiện vào nửa đầu tháng 10, ở mức cao hơn năm 2017; xấp xỉ trung bình nhiều năm, dao động ở mức báo động 2. Với tình hình thời tiết, thủy văn mùa mưa năm nay, nguy cơ đuối nước xảy ra là rất cao, không chỉ ở TE mà cả người lớn. Vì vậy, cùng với sự khuyến cáo và các giải pháp né tránh thiên tai mà các cấp, ngành chức năng đã thực hiện, chính quyền cơ sở, các hội đoàn thể cần tập trung tuyên truyền có hiệu quả hơn nữa về những nguy cơ trong mùa mưa bão và tăng cường việc hướng dẫn, cảnh báo những khu vực nguy hiểm để người dân né tránh, bảo đảm an toàn tính mạng.

Để phòng, chống đuối nước, người dân cần lưu ý không đi qua các khu vực ngập nước, chảy xiết trong mùa mưa bão, nếu phải vượt qua các khu vực ngập nước phải có phao cứu sinh, đi nhiều người để tương trợ nhau lúc cần thiết; người lớn cần theo sát TE để các em luôn được an toàn trước nguy cơ đuối nước như: luôn ở cạnh trẻ và theo sát khi chúng tắm hoặc chơi ở chỗ có nước, không được để trẻ đi tắm, bơi lội ở ao hồ một mình mà không có người lớn biết bơi đi kèm,... Đặc biệt, dạy bơi cho trẻ là giải pháp hữu hiệu nhất để trẻ có thể tự bảo vệ mình trước nguy cơ đuối nước.

Thận trọng khi tham gia giao thông

Mùa mưa, bão là thời điểm người tham gia giao thông phải đối diện với nhiều nguy cơ mất an toàn do tầm quan sát bị hạn chế, mặt đường trơn, ngập nước hay gặp các vật cản như cây xanh gãy đổ, che khuất tầm nhìn. Trong khi đó, người đi đường thường có thói quen điều khiển phương tiện vội vàng để tránh mưa nên rất dễ dẫn đến tai nạn. Bên cạnh đó, việc người điều khiển xe máy sử dụng áo mưa không phù hợp cũng là nguy cơ dẫn đến nhiều vụ va chạm giao thông, thậm chí tự té ngã gây hậu quả,... Đặc biệt, mưa nhiều còn làm cho hệ thống đường bị ngập nước và ngày càng xuống cấp. Trong trường hợp này, người lái xe thường có thói quen tránh chỗ nước ngập hoặc ổ gà trên đường, nên lấn sang phần đường bên trái và gây tai nạn hoặc tự té. Ở điểm này, các địa phương trong tỉnh đều gặp phải, đáng lo ngại là đoạn Quốc lộ 30 đoạn TP.Cao Lãnh - TX.Hồng Ngự và đoạn từ huyện Cao Lãnh về Ngã 3 An Thái Trung (Tiền Giang) bị xuống cấp nghiêm trọng, tình trạng nước ứ đọng, ổ gà xuất hiện ngày càng nhiều. Người dân địa phương cho biết, nhiều đoạn đường trên tuyến lộ này bị hư hỏng, xuất hiện nhiều hố nước và đã xảy ra nhiều vụ tai nạn do mưa và đường xuống cấp. Ngoài ra, một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh đang được nâng cấp sửa chữa (TP.Cao Lãnh nhiều tuyến đường nội ô đang được nâng cấp, sửa chữa) cũng gây nhiều bất lợi trong việc lưu thông, nhất là mùa mưa bão như hiện nay.

Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (PC 67) - Công anh tỉnh Đồng Tháp cho biết, tính đến hết tháng 6/2018, toàn tỉnh xảy ra 82 vụ giao thông, làm chết 71 người, bị thương 34 người. Đây mới chỉ là số vụ tai nạn giao thông xảy ra trong mùa khô và gần 2 tháng đầu mùa mưa năm 2018. Hiện đã chính thức vào mùa mưa, thời tiết diễn biến phức tạp, việc lưu thông trên đường nếu không cẩn thận rất dễ xảy ra tai nạn. Để đảm bảo lái xe an toàn dưới mưa, người lái xe cần chú ý: khi tham gia giao thông trong điều kiện trời mưa phải quan sát kỹ, lái xe cẩn trọng và giảm tốc độ ở các điểm giao nhau; tập trung quan sát và phán đoán tình huống từ xa sẽ chủ động trong mọi tình huống và tránh được tình huống nguy hiểm; duy trì khoảng cách an toàn với xe phía trước; nên kiểm tra vỏ bánh xe, thắng, đèn tín hiệu thường xuyên khi tham gia giao thông.

Chú ý sử dụng điện

Sở Công Thương cho biết, hàng năm, số vụ sự cố về điện trong mùa mưa bão luôn cao hơn so với các thời điểm khác trong năm. Mới vào mùa mưa, nhưng trong tháng 6 đã xảy ra 2 sự cố lưới điện tại TP.Cao Lãnh. Hầu hết các tai nạn điện do ẩm ướt gây rò điện, giông bão gây ngã đường dây dẫn điện do không được lắp đặt chắc chắn... người dân vô tình tiếp xúc dẫn đến tai nạn điện. Ngoài ra, còn do những nguyên nhân chủ quan như: không phát quang đường dây thông thoáng trước, trong mùa mưa bão để cây xanh gần, chạm, ngã đổ vào đường dây điện gây sự cố; các trụ điện ở gần bờ sông, các vị trí đất mềm, các trụ góc, trụ dừng chịu lực lớn, móng trụ, móng chằng bị sạt lở; các mái tôn, bảng hiệu, biển quảng cáo, ăng-ten không được gia cố chắc chắn, khi có gió mạnh, nước chảy xiết sẽ ngã, đổ gây sự cố.

Để đảm bảo an toàn cho người và các thiết bị điện trong gia đình thì mọi người cần phải rút tất cả các thiết bị điện ra khỏi ổ cắm, gỡ ăng-ten ra khỏi ti vi... khi có mưa bão; tránh chạm, tiếp xúc vào trụ điện, trụ đèn, dây chằng trụ điện, các vũng nước đọng ở chân trụ đèn nhằm tránh tai nạn điện do rò điện; tránh phun xịt thuốc, tưới cây gần đường dây điện trung thế vì có thể gây phóng điện; đường dây dẫn điện hạ thế sau đồng hồ điện lắp ngoài trụ điện kéo về nhà cần được lắp trên trụ, cột chắc chắn, tránh nghiêng ngã, đặc biệt là các đường dây dẫn điện vượt sông, kênh, rạch; các mối nối dây điện cần quấn băng keo cách điện kín nước; khi gia đình sử dụng mô-tơ điện để bơm nước (bơm nước tưới cây, bơm nước sinh hoạt...), cần lắp đặt mái che chắn tránh mưa ướt mô-tơ điện gây chạm, chập điện;...

Ngoài 3 tai nạn phổ biến trên, trong mùa mưa bão còn có thể gặp phải nhiều tai nạn khác như: sét đánh, rắn cắn, cây đè,... Để tránh và hạn chế những mối nguy hiểm trên, biện pháp an toàn nhất là mọi người nên hạn chế ra đường khi trời đang mưa bão.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn