Chủ động tránh sét thời điểm chuyển mùa
Cập nhật ngày: 01/05/2018 14:25:59
ĐTO - Sau thời gian nắng nóng gay gắt kéo dài, những ngày qua, các địa phương trong tỉnh đã xuất hiện rải rác những cơn mưa đầu mùa, giải tỏa “cơn khát” của nhiều người dân. Tuy nhiên, theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh, nguy cơ sét đánh ở những cơn mưa này rất cao, bởi những cơn mưa thường kèm theo giông, sấm sét.
Ở Đồng Tháp giông, sét xuất hiện chủ yếu vào tháng 4 và tháng 5 hàng năm (thời kỳ chuyển từ mùa khô sang mùa mưa), vào buổi chiều và tối. Hàng năm, trung bình toàn tỉnh có khoảng 5 - 6 trường hợp người dân bị sét đánh chết. Trung tâm Khí tượng Thủy văn cho biết, sét là một hiện tượng tự nhiên, diễn ra một cách ngẫu nhiên và thường đi kèm theo mưa giông. Phòng, chống sét tuyệt đối là điều không thể đối với loài người hiện nay. Không chỉ Việt Nam mà ngay cả trên thế giới cũng chỉ có thể nghiên cứu để giảm thiểu tác hại của loại hình thiên tai này. Tuy nhiên, việc chủ động tìm nơi tránh sét có thể làm giảm đáng kể khả năng bị sét đánh. Do đó, mỗi người cần biết phương pháp phòng, chống sét để có cách tự bảo vệ chính mình.
Theo ông Khương Lê Bình - Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh, thời điểm giao mùa (thời kỳ chuyển từ mùa khô sang mùa mưa) và mùa mưa, mọi người nên thường xuyên cập nhật bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết để có biện pháp ứng phó, phòng tránh phù hợp, kịp thời, cụ thể: Khi làm ở khu vực nào đó, chúng ta để ý trước các nơi có thể trú mưa và tránh sét an toàn; phải tính được thời gian từ chỗ làm việc đến nơi an toàn.
Thường thì cơn giông kéo đến rất nhanh trong vòng 15 phút và di chuyển với vận tốc 40km/h. Nói chung, khi đang ở nơi không an toàn thì ta cần phải để ý đến các dấu hiệu của giông như: mây đen, không khí lạnh, gió. Khi sét xảy ra, thoạt tiên ta thấy tia chớp lóe lên và sau đó là có tiếng sấm kèm theo. Nếu tính khoảng thời gian từ lúc tia chớp lóe lên và lúc nghe thấy tiếng sấm thì có thể xác định được khoảng cách tới nơi sét xảy ra; chia số giây cho 3, ta được khoảng cách đến tia sét. Ví dụ đếm được 3 giây thì sét cách vị trí đứng là 3/3=1km. Nếu như khoảng thời gian đếm được từ khi thấy chớp và nghe tiếng sấm nhỏ hơn 30 giây, thì bạn đã nằm trong tầm ngắm của tia sét rồi và phải cẩn thận. Nếu thời gian này nhỏ hơn 20 giây thì phải di chuyển đến nơi an toàn hơn. Khi nghe thấy tiếng sấm đầu tiên bất kể là gì cũng cần phải thấy nguy hiểm đã đến. Sét có thể đánh cách xa nơi có mưa tới 15-20km.
Ảnh minh họa từ internet
Khi trời sắp xảy ra mưa giông, thì biện pháp tránh sét tốt nhất là nên về nhà. Chỗ an toàn để tránh sét là tòa nhà, hay công sở có lắp đặt hệ thống chống sét (đơn giản nhất là cột thu lôi Franklin). Khi ở trong nhà, nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước; không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết; rút phích cắm các thiết bị điện, dây anten tivi trước lúc có giông gần xảy ra. Với các đường dây điện thoại hay dây điện vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền, nên tránh xa các dây này và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là 1m.
Trong trường hợp không kịp chạy tìm nơi ẩn náu an toàn, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như: xe đạp, máy, hàng rào sắt; tìm chỗ khô ráo, nếu xung quanh có cây cao hơn thì nên tìm chỗ thấp, tìm vị trí cây thấp. Người ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ, nhón chân, không được nằm, sao cho phần tiếp xúc của người với mặt đất là ít nhất. Đứng xa các vật cao, ra ngay khỏi những nơi chứa nước như: bãi biển, ao, hồ, mương. Các vùng đỉnh núi hay sườn núi nhô cao cũng rất nguy hiểm. Nếu ở trong rừng thì tìm những nơi cây thấp hơn và thưa để tránh. Không đứng thành nhóm người gần nhau. Nếu như bạn cảm thấy tóc bị dựng lên (như cảm giác điện khi sờ tay trước mặt tivi) thì điều đó có nghĩa là có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào nên lập tức cúi ngồi xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất. Sau khi nghe thấy tiếng sét 30 phút thì chúng ta có thể trở lại làm việc bình thường.
Việt Nam nằm ở tâm giông Châu Á - 1 trong 3 tâm giông trên thế giới, có hoạt động giông sét mạnh. Mùa giông ở Việt Nam tương đối dài, số ngày giông trung bình 100 ngày mỗi năm và số giờ giông trung bình là 250 giờ một năm. Mỗi năm, Việt Nam hứng chịu tới hai triệu cú sét. Đồng bằng sông Cửu Long là những nơi được coi là tâm sét.
|
BÍCH LIỄU