Chương trình “Truyền thông phòng, chống cúm gia cầm qua trường Tiểu học” phát huy hiệu quả

Cập nhật ngày: 04/12/2013 05:42:03

Thời gian qua, để tăng cường công tác tuyên truyền về bệnh cúm gia cầm cho người dân, Ban quản lý Dự án VAHIP tỉnh phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát nông thôn triển khai chương trình “Truyền thông phòng, chống cúm gia cầm qua trường Tiểu học”. Chương trình đã góp phần rất lớn trong công tác khống chế và thanh toán bệnh cúm gia cầm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.


Tiểu phẩm về phòng, chống cúm gia cầm của học sinh Trường Tiểu học
Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự

Chương trình là sự vận dụng, phát huy mối liên hệ giữa nhà trường, học sinh (HS) và phụ huynh trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống dịch bệnh, từng bước thay đổi hành vi của người dân. Công tác truyền thông bao gồm: tập huấn cho đội ngũ giáo viên (GV), ban giám hiệu trường, tổng phụ trách đội, cán bộ y tế trường học của các trường Tiểu học về bệnh cúm gia cầm, các biện pháp phòng tránh; chăn nuôi an toàn sinh học cũng như các thông tin liên quan.

Sau đó, GV sẽ tuyên truyền lại cho HS để các em đem những hiểu biết của mình tác động đến nhận thức của người thân và những người xung quanh. Nội dung tuyên truyền cho HS bao gồm: cách nhận biết gia cầm khỏe mạnh và gia cầm bị bệnh; làm thế nào để mua được gia cầm khỏe mạnh; hiểu biết về cúm H5N1; làm thế nào để không bị mắc bệnh, cách bảo vệ bản thân và gia đình không bị lây cúm gia cầm,...

Triển khai từ năm 2010, đến nay, Dự án đã tiến hành truyền thông cho hơn 418 GV , 12.218 phụ huynh, 10.033 HS tại 22 trường Tiểu học của 10/12 huyện, thị, thành trong toàn tỉnh. Qua kết quả phân tích đánh giá, mức độ hiểu biết về cúm gia cầm của GV, HS, phụ huynh tăng 31,14% so với tước truyền thông.

Đồng Tháp hiện là một trong những tỉnh có tỷ lệ lưu hành virut cúm gia cầm đạt mức báo động (15,83%). Tính từ năm 2003 đến nay, toàn tỉnh đã có 5 ca tử vong do cúm gia cầm gây ra (1 ca ở thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình; 1 ca ở xã Phú Long, huyện Châu Thành; 3 ca ở xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh). Qua điều tra dịch tễ học cho thấy, hầu hết những ca nhiễm cúm gia cầm H5N1 trên người đều có liên quan đến việc tiếp xúc hoặc ăn thịt gia cầm bị bệnh chết. Do đó, việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống cúm là vấn đề bức thiết và quan trọng hàng đầu. Và chương trình “Truyền thông phòng, chống cúm gia cầm qua trường Tiểu học”, hiện là hoạt động đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Ban quản lý Dự án VAHIP tỉnh Đồng Tháp nhận xét: “Có thể nói, chương trình đã đào tạo nên một đội ngũ tuyên truyền viên hiệu quả, có thể chủ động phòng, chống cúm, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng nếu có dịch cúm gia cầm xảy ra tại địa phương. Vì thế, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của Ban quản lý dự án VAHIP ở Trung ương để tiếp tục triển khai hoạt động này tại tất cả các trường Tiểu học còn lại trên địa bàn tỉnh”.

Bích Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn