Chuyển đổi mô hình cai nghiện

Cập nhật ngày: 06/05/2016 13:52:34

UBND tỉnh vừa có quyết định ban hành Đề án chuyển đổi mô hình hoạt động Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành Cơ sở điều trị nghiện tỉnh Đồng Tháp.

Theo Đề án, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thực hiện việc chữa bệnh, cai nghiện; giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách; dạy nghề, lao động sản xuất, tái hòa nhập cộng đồng cho các nhóm đối tượng: người nghiện ma túy (MT) (kể cả người cai nghiện tự nguyện), người bán dâm, người sau cai nghiện MT có nguy cơ tái nghiện cao; tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về. Đến cuối năm 2012, Trung tâm không còn thực hiện nhiệm vụ chữa bệnh cho người bán dâm theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 549 người nghiện MT có hồ sơ quản lý, nếu kể cả số đối tượng nghiện đang ở ngoài cộng đồng khoảng trên 1.000 người. Người nghiện MT thuộc nhiều độ tuổi, nhiều thành phần xã hội, sử dụng nhiều loại MT khác nhau, chủ yếu là các chất dạng thuốc phiện và sử dụng bằng đường tiêm chích là một trong những nguy cơ lây nhiễm HIV lớn nhất hiện nay. Tình hình tội phạm liên quan đến MT đã gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng tăng và phức tạp, gây hoang mang, bức xúc trong xã hội, cộng đồng dân cư.

Căn cứ hồ sơ quản lý cai nghiện tại trung tâm từ đầu năm 2014 đến hết tháng 12/2015, số người được trực tiếp nhận cai nghiện tại Trung tâm là 106 người (25 người cai bắt buộc, 81 người cai tự nguyện), không có người nghiện MT thuộc diện không có nơi cư trú ổn định đi cai nghiện. Như vậy, chỉ có 19,3% người nghiện MT có hồ sơ quản lý được cai nghiện, chữa trị; số người nghiện không được cai nghiện, chữa trị trên 80%, trở thành nguy cơ lớn gây ra các loại tội phạm, lây truyền các loại bệnh xã hội, nhất là lây nhiễm HIV/AIDS cho cộng đồng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, nên không đưa người nghiện trên địa bàn đi cai nghiện và từ bỏ MT; chưa có nhiều giải pháp, phương thức cai nghiện phù hợp để người nghiện MT lựa chọn các hình thức cai nghiện; chưa có mô hình cai nghiện thiết thực, chưa có hình thức cai nghiện bán trú; việc điệu trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại trung tâm chưa được triển khai;...

Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp nhận, quản lý, điều trị cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện MT không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ để phân loại, xử lý chuyển về gia đình, cộng đồng; chuyển điều trị nghiện tự nguyện hoặc chuyển tòa án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật; tiếp nhận, điều trị nghiện cho người nghiện MT (bao gồm người bị rối loạn tâm thần do sử dụng MT) phải chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án; tiếp nhận, điều trị nghiện cho người nghiện MT đến cai nghiện tự nguyện; quản lý, dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện MT, nhằm tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng, có việc làm thu nhập ổn định và hạn chế nguy cơ tái nghiện; tư vấn điều trị ngoại trú cho người nghiện MT có nhu cầu; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn