Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận

Cập nhật ngày: 28/12/2015 13:31:12

5 năm (2011 - 2015) công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận: hoàn thành chỉ tiêu của Trung ương và tỉnh giao, nâng cao nhận thức của người dân trong chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), KHHGĐ,... nhất là đã góp phần lớn vào việc nâng cao chất lượng DS của địa phương.


Năm 2020, tỉnh phấn đấu đạt 80% trẻ mới sinh được sàng lọc sơ sinh

Xác định mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ, những năm qua, ngành DS tỉnh luôn coi trọng công tác quản lý DS, thực hiện nhiều chính sách phù hợp nhằm kiểm soát tốc độ tăng DS và nâng cao chất lượng DS. 5 năm qua, ngành đã phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, trong đó tỷ lệ phát triển DS tự nhiên giảm 0,03%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 0,48%; tỷ số giới tính khi sinh cũng giảm và đang ở ngưỡng lý tưởng (năm 2010 là 105,56 bé trai/100 bé gái, năm 2015 đang ở mức 103,87 bé trai/100 bé gái).

Bên cạnh đó, các dự án nhằm nâng cao chất lượng DS của tỉnh cũng được đẩy mạnh. Hiệu quả nhất là dự án tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh. Trong dự án này, Chi cục DS - KHHGĐ đã thực hiện mô hình sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Trong tổng số 22.637 trẻ được sàng lọc sơ sinh  đã phát hiện 155 trường hợp có bệnh lý (chủ yếu là thiếu men G6PD). Với những trường hợp này, gia đình đều được hướng dẫn tận tình hướng điều trị cho bé. Mô hình tư vấn cung cấp kiến thức, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân cũng được tổ chức ở 25 xã với 57 câu lạc bộ tiền hôn nhân, 1.109 thành viên. Trong 5 năm qua, các câu lạc bộ đã tư vấn cho trên 10.700 đối tượng về sức khỏe trước kết hôn.

Không chỉ vậy, hàng năm, ngành đều tổ chức thực hiện chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân có mức sinh cao và vùng khó khăn. Trong các chiến dịch, Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh thành lập đội lưu động đến địa bàn chiến dịch khám và cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ, qua 5 năm thực hiện, đã khám cho 67.888 lượt người, trong đó điều trị cho 30.002 lượt người viêm nhiễm đường sinh sản, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh phụ khoa từ 38,79% năm 2010 xuống còn 33,08% năm 2015.

Mỗi năm, Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh đều xây dựng kế hoạch phối hợp Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh, các cơ quan báo, đài thực hiện các bảng tin, chuyên trang, chuyên mục DS – KHHGĐ định kỳ hàng tháng. Các nội dung tuyên truyền trên phương tiện truyền thông đại chúng đều được phổ biến đến các ban, ngành, đoàn thể các cấp, các chi bộ, quần chúng nhân dân, các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ trên toàn địa bàn. Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức của người dân, xã hội về ý nghĩa, mục đích của công tác DS – KHHGĐ đang được triển khai tại địa phương.

Bên cạnh các kết quả đạt được, ngành cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: thực hiện chương trình tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai, người dân đã quen được cung cấp miễn phí, nên khi chuyển sang hình thức tự chi trả thì một bộ phận người dân chưa đồng thuận tham gia; việc thực hiện mô hình sàng lọc trước sinh cũng gặp khó khăn do các huyện, thị không đủ máy móc, trang thiết bị đủ chuẩn và cán bộ chuyên môn còn hạn chế về nghiệp vụ nên chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia bị cắt giảm nên việc triển khai thực hiện trong cộng đồng gặp nhiều khó khăn như: kinh phí cho công tác tuyên truyền vận động tại cơ sở chưa đáp ứng theo nhu cầu thực tế, thù lao hỗ trợ cho lực lượng cộng tác viên DS quá thấp nên lực lượng này thường xuyên biến động,...

Bà Nguyễn Minh Tương, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết: Trong giai đoạn 2016 – 2020, ngành sẽ cố gắng khắc phục khó khăn, phấn đấu duy trì tỷ lệ tăng DS tự nhiên < 1%; tỷ suất sinh giảm bình quân 0,01‰/năm; 50% bà mẹ mang thai được sàn lọc trước sinh và 80% trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh vào năm 2020;... tiếp tục đẩy mạnh kết quả thực hiện chương trình tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai để đảm bảo chỉ tiêu đề ra. Đồng thời, ngành sẽ tiếp tục đa dạng hóa công tác truyền thông, vận động với mọi hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác DS - KHHGĐ.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn