Cộng tác viên dân số - trợ thủ đắc lực của ngành dân số
Cập nhật ngày: 06/10/2014 14:12:49
Cộng tác viên (CTV) dân số ở cơ sở có vai trò rất lớn trong việc đưa chính sách dân số đến người dân. Họ chính là những trợ thủ đắc lực của ngành dân số.
Cộng tác viên dân số đến vận động từng hộ dân
Có lợi thế là người sống ở ngay trong cộng đồng, CTV dân số hiểu rõ nhu cầu, đặc điểm của từng đối tượng để lựa chọn cách thức trao đổi và truyền đạt các nội dung về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) phù hợp. Hơn nữa, các CTV dân số thường có mối quan hệ hàng xóm, gần gũi với các đối tượng, nên có thể dễ dàng tạo được lòng tin đối với họ, do đó, đối tượng có thể trao đổi cởi mở, mạnh dạn nêu lên những thắc mắc, khó khăn để được CTV giải đáp, giúp đỡ.
Theo Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh, toàn tỉnh hiện có 2.400 CTV dân số, phân bố đều khắp các địa phương. Họ là những chiếc cầu nối tư vấn, truyền thông trực tiếp làm thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân về DS-KHHGĐ. Nhiều năm quen với việc “Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng”, cô Phạm Thị Bé Tư (CTV dân số ấp 2, xã Mỹ Trà, TP.Cao Lãnh) nắm rõ thông tin các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở địa phương: số trẻ sinh trong tháng; số phụ nữ hiện đang mang thai, những cặp vợ chồng cần thực hiện các biện pháp tránh thai, những cặp vợ chồng trong độ tuổi có nguy cơ sinh con thứ ba... Cô Tư tâm sự: “Những năm trước đây đường sá đi lại rất khó khăn nhưng tôi không ngại đi tuyên truyền người dân thực hiện KHHGĐ. Một số gia đình còn tư tưởng thích sinh đông con, khi đến vận động thực hiện KHHGĐ, họ nổi nóng, đôi lúc còn nói những lời lẽ khó nghe. Làm CTV dân số không phải đơn giản muốn đến nhà người ta vận động lúc nào cũng được. Đối với khu nông nghiệp như chúng tôi, khi đi làm đồng tôi cũng tranh thủ lân la đến, khi thấy chị em tâm đầu ý hợp thì mới bắt đầu tỷ tê chuyện gia đình, con cái rồi mới dám đi vào nội dung chính: vận động KHHGĐ. Nhiều người thoáng thấy bóng tôi là đóng cửa, có người còn mắng tôi sa sả khi tôi vận động họ không sinh thêm con, nhưng không vì thế mà tôi nản lòng”.
10 năm với nghề CTV dân số, Cô Lâm Thị Khéo (CTV ấp Phú Hưng, xã Phú Hựu, huyện Châu Thành) nói: “Không chỉ có lòng nhiệt tình và kiên trì, CTV dân số còn phải hiểu, khéo léo chia sẻ tâm tư, tình cảm và hoàn cảnh của từng đối tượng. Có rất nhiều cách truyền thông giúp người dân hiểu và thực hiện tốt các chính sách dân số nhưng cách tuyên truyền theo kiểu “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng” theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” của các CTV dân số là cách vất vả nhưng hiệu quả. Để gặp được người dân, cô tranh thủ buổi trưa, buổi tối đến từng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do sinh đông con, cặp vợ chồng sinh con một bề để vừa trò chuyện, kết hợp với tư vấn, vận động họ không sinh nhiều con, mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con, dành thời gian cho việc chăm sóc, nuôi dạy con tốt, phát triển kinh tế gia đình, có cuộc sống ổn định”.
Ông Lê Văn Hùng - Phó Chi cục trưởng, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh nói: “Cùng với sự nỗ lực lãnh đạo của các cấp ủy, UBND, sự kiên trì, nhẫn nại, sâu sát, gần gũi của đội ngũ CTV đã góp phần không nhỏ làm thay đổi nhận thức của nhân dân về công tác DS - KHHGĐ, đưa công tác DS - KHHGĐ của tỉnh đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Những bước chân thầm lặng của đội ngũ CTV dân số đã và đang hàng ngày, hàng giờ in dấu trên các ngõ ngách, xóm làng, đưa công tác DS - KHHGĐ của tỉnh đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, theo nhiều TCV dân số, chế độ phụ cấp cho CTV thấp, gần như không đủ cho chi phí đi lại phục vụ công việc, đa phần họ phải kiêm nhiệm nhiều việc (cán bộ phụ nữ, hội nông dân, hội khuyến học,...) và làm thêm nông nghiệp, buôn bán để đảm bảo thu nhập cho gia đình. Thiết nghĩ, ngành chức năng nên có chế độ đãi ngộ phù hợp để đội ngũ này phát huy hết năng lực, chuyên tâm thực hiện tốt công tác DS - KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số, góp phần vào sự phát kinh tế - xã hội của địa phương.
BÍCH LIỄU