Đám tiệc thời nay... đinh tai nhức óc

Cập nhật ngày: 06/02/2015 13:36:53

Lâu nay đi đám cưới, thôi nôi, đầy tháng, tân gia... là một truyền thống, một nghĩa cử đẹp của dân tộc Việt Nam. Đến đám tiệc để chia vui cùng thân bằng, quyến thuộc và cũng nhân dịp này để được gặp người thân hàn huyên tâm sự hoặc có thể được kết thêm bạn bè; có những đôi nam thanh, nữ tú phải lòng nhau và nên duyên cầm sắc cũng từ những dịp đi dự đám tiệc này.


Che rạp dưới lòng đường gây ùn tắc giao thông

Nhưng đám tiệc ngày nay ít còn không khí êm đềm để bạn bè chia vui, tâm sự như trước mà thay vào đó là sự ồn ào, chộn rộn, đinh tai, nhức óc cho người dự tiệc và cả hàng xóm. Đám nào cũng loa 8-10 cái, phát hết công suất, ca hát đủ loại bài “thượng vàng hạ cám”, với tần suất âm thanh không tai nào chịu nổi. Đến nỗi một số người dự tiệc đến rồi về vội vã cho có lễ, để “tháo chạy” cho nhanh ra khỏi mớ âm thanh tra tấn đó. Khổ nỗi trong suy nghĩ của nhiều người, đám tiệc thời nay phải đinh tai nhức óc như thế mới là đám tiệc lớn, nếu không sẽ bị đánh giá là không sang trọng, lèo tèo quá, thua chị, thua em. Đám tiệc phải có giàn âm thanh cực bự với công suất cực đại, hát phải gầm gào, hò hét... và trở thành mốt. Mặt dù Nhà nước có quy định việc lễ, tang, cưới hỏi, âm thanh phát ra bao nhiêu đề-xi-ben hẳn hoi, nhưng không biết đến bao giờ dân mình mới thôi làm cái việc hát hò phiền lòng làng xóm, mất vui trong các đám tiệc mà gia đình mình tổ chức.

Ngoài âm thanh tra tấn người đến dự tiệc, gia chủ còn tùy tiện che rạp ra đường, chiếm gần hết lòng đường, xe ô tô không thể qua được, xe đến đây phải quay lại, chạy đường khác. Chuyện che rạp trên đường để tổ chức tiệc ở tỉnh ta trở thành phổ biến, mọi người thấy việc làm đó như là chuyện đương nhiên, thậm chí còn ủng hộ cho việc làm trên và từ lúc nào trở thành “truyền thống” của xứ sở mình luôn; trong khi một chiếc xe đậu sai vị trí trên lộ thì cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tuýt còi phạt ngay, còn việc sai trái rõ như trên thì không ai dám chạm tới?

Thiết nghĩ cần có một quy định nghiêm ngặt của Nhà nước cho những việc làm trên, vì đây không còn chuyện riêng tư của mỗi gia đình mà là chuyện của xã hội: đó là văn hóa trong giao thông, văn hóa trong tiệc tùng, đạo đức trong ứng xử giữa người với người và cao hơn hết con người sống trong xã hội văn minh phải thượng tôn pháp luật.

ĐỖ HOÀNG TIỄN

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn